Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

KINH PHÁP HOA - Trọn bộ (PHẨM 16)

PHẨM 16
NHƯ LAI THỌ LƯỢNG
Bấy giờ đức Phật Thích Ca bảo các Bồ tát và Đại chúng: “Các ngươi hãy tin lời chân thật của Như Lai! Nói xong, Phật lập lại hai lần câu nói đó.
Đứng đầu các Bồ tát và đại chúng, Bồ tát Di Lặc ba phen chấp tay bạch Phật: “Thế Tôn, xin cứ nói, chúng con sẽ tin lãnh lời Phật”.

Thấy hàng Bồ tát đã ba phen cầu thỉnh, đức Phật bèn nói: “Hãy nghe đúng như sự thật, sức mạnh thần thông bí mật của Như Lai. Tất cả thế gian, trời người cùng A tu la đều nói rằng Phật Thích Ca, rời cung họ Thích, đến thành Già da cách đó không xa, ngồi nơi đạo tràng, chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nhưng nầy các thiện nam tử, ta
từ thành Phật đến nay, vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức na do tha kiếp đã trôi qua. Giả sử có người đem năm trăm ngàn muôn ức na do tha a tăng kỳ tam thiên đại thiên thế giới, tán nhỏ thành bụi, rồi đem hạt bụi ấy đặc nơi hướng đông, sau khi vượt qua năm trăm ngàn vạn ức na do tha a tăng kỳ nước. Đặt xong, trở lại lấy một hạt khác và cũng đem đặt ở hướng đông y như trước, cho đến khi nào số bụi nói trên bị dời đi hết. Này các thiện nam tử, ý các ngươi thế nào? Có thể tưởng tượng, đếm, tính, số thế giới trên đó các hạt bụi được đặt lên không?”
Bồ tát Di Lặc và tất cả đều bạch: “Thế Tôn, các thế giới ấy vô lượng vô biên, làm sao đếm tính cho được, cũng không thể dùng sức tâm mà tưởng tượng được. Tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác đến bậc “vô lậu” A La Hớn còn không thể suy tưởng được con số thế giới ấy, huống chi chúng con mới là “a bệ bạt trí” thì làm sao biết được”.
Đức Phật nói: “Này các thiện nam tử, ta sẽ nói rạch ròi cho các ngươi nghe. Cứ kể mỗi hạt bụi là một kiếp, thì từ ta thành Phật đến nay, số kiếp trôi qua còn nhiều hơn số trăm ngàn muôn ức na do tha a tăng kỳ hạt bụi ấy. Từ ấy tới nay, ta luôn ở tại thế giới Ta bà thuyết pháp, giáo hóa, lại cũng ở nơi khác tại ở trăm ngàn muôn ức na do tha nước, dắt dẫn chúng sanh một cách ích lợi. Này các thiện nam tử, trong khoảng thời gian đó, ta có nói Phật Nhiên Đăng v.v…và cũng nói có chư Phật nhập Niết bàn, nhưng tất cả đều là phương tiện mà phân biệt nói có thành Phật, có nhập Niết bàn. Này các thiện nam tử, nếu có chúng sanh nào đến chỗ ta ở, ta lấy Phật nhãn xem coi các căn của chúng sanh ấy nhụt bén thế nào, rồi theo đó mà độ. Mỗi nơi, ta tự xưng với những danh hiệu bất đồng và cho biết tuổi tác lớn nhỏ cũng khác, lại nói sẽ nhập Niết bàn và còn dùng nhiều phương tiện khácđể nói bày pháp vi diệu hầu làm cho chúng sanh phát tâm hoan hỉ. Này các thiện
nam tử, vì thấy chúng sanh thích nơi “tiểu pháp”, đức mỏng, phiền não dày cho nên Như Lai phải vì những hạng ấy mà nói rằng ta lúc còn trẻ xuất gia, rồi đặng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Thật ra từ ta thành Phật đến nay, lâu hơn thời gian ấy nhiều. Đây
chẳng qua vì phương tiện mà nói như vậy thôi, để giáo hóa chúng sanh và khiến họ nhập
Phật đạo. Này các thiện nam tử, kinh điển của Như Lai nói ra, đều nhằm chỗ độ thoát chúng sanh. Khi thì nói về thân mình, khi thì nói về thân người khác, hoặc chỉ thân mình, hoặc chỉ thân người khác, hoặc chỉ việc mình, hoặc chỉ việc người khác, nhưng dầu trong trường hợp nào, tất cả lời của Như Lai đều chân thực, chẳng dối. Tại sao vậy? Vì đúng như thật, Như Lai thấy tướng của ba cõi không có sanh tử, không lui, không xuất, không
ở đời mà cũng không diệt độ, chẳng phải thật, chẳng phải hư, chẳng phải như, chẳng phải khác, chẳng phải ba cõi mà có ba cõi. Các việc như thế, Như Lai thấy rõ, không bao giờ có sự sai lầm. Nhưng vì chúng sanh tâm tánh khác nhau, cho nên phải dùng nhân duyên, thí dụ, lời nói khác nhau để thuyết pháp khiến họ sanh căn lành. Những việc Phật làm (Phật sự) chưa từng dừng bỏ. Như vậy, từ ta thành Phật đến nay, thật rất lâu xa, còn thọ mạng thì dài vô lượng a tăng kỳ kiếp và luôn luôn thường trú bất diệt. Này các thiện nam tử, những việc làm theo Bồ tát đạo của ta, đến nay chưa phải là hết, vì vậy, thọ mạng của ta còn dài gấp mấy lần con số nói trên. Tuy nhiên dầu chưa thực diệt độ, ta vẫn nói là sẽ diệt độ, để làm phương tiện giáo hóa chúng sanh. Tại sao vậy? Vì nếu Phật ở lâu tại thế thì hạng đức mỏng không chịu trồng căn lành, cứ giữ mãi thói bần cùng, hạ tiện, tham
đắm năm món dục lạc (tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ). Đã mắc vào lưới nhớ tưởng vọng kiến mà nếu thấy Như Lai ở đây mãi mãi không diệt độ, thì làm sao không sanh kiêu mạn, phóng tâm, giải đãi, và như vậy thì không tưởng đến và cũng sanh lòng cung kính Phật như một bậc khó gặp.
“Này các Tỳ kheo, nên biết chư Phật xuất thế là điều khó gặp. Vì sao? Những người đức mỏng trải qua vô lượng trăm ngàn ức kiếp, có khi gặp Phật mà có khi cũng không gặp. Vì vậy cho nên ta nói Như Lai khó thấy. Nghe lời nói nầy, chúng sanh tất nghĩ đến lẽ ngàn năm một thuở mà sanh lòng luyến mộ khao khát mà trồng căn lành. Bởi cớ, tuy không thực diệt độ, mà vẫn nói là diệt độ. Lại nữa, này thiện nam tử, Pháp của chư Phật Như Lai cũng vậy, đều chân thực không hư dối và chỉ có một mục đích là đưa dắt chúng sanh. Thí dụ có một ông thầy thuốc giỏi, trí tuệ sáng suốt, phương dược khéo luyện, bệnh nào cũng trị hết, nhà con cái rất đông. Gặp lúc ông có việc phải đi ra nước ngoài, các con ở nhà uống phải thuốc độc, cơn điên nổi lên, té nằm dưới đất. Ngay lúc đó ông cha về đến nhà. Các con của ông, có đứa mất tâm, có đứa còn tâm, nhưng khi xa thấy cha về, tất cả đều
vui mừng quỳ lạy, chào hỏi và thưa: “Rằng ngu si nên uống phải độc dược, xin cha cứu tử”. Cha thấy con khổ não như vậy, bèn theo các phương đã kinh nghiệm mà chế thuốc, màu sắc hương vị đều tốt đẹp và bảo các con uống: “Đây là lương dược, mùi ngon, sắc đẹp, các con hãy uống đi thì sẽ mau trừ khổ não và bao nhiêu khổ hoạn sẽ không tái phục”. Những đứa không mất tâm nghe xong liền uống và được hết bệnh. Còn những đứa mất tâm, tuy thấy cha cũng vui mừng, cầu xin chữa bệnh, nhưng thuốc thì không chịu uống. Vì sao ? Vì bị độc thấm sâu, đã mất tâm trí rồi, cho nên thuốc ngon, sắc đẹp lại cho là không ngon không đẹp. Ông cha thấy vậy mới suy nghĩ: Những đứa con nầy mới đáng thương, thấy cha vui mừng cầu cứu, nhưng khi cho thuốc lại không chịu uống. Ấy cũng
vì bị chất độc cho nên tâm trí đều điên đảo. Vậy phải dùng chước mới được. Nghĩ xong ông mới nói rằng: “Cha nay già yếu, sắp chết nay mai, có mấy món thuốc hay để lại, các con nên giữ mà dùng, khỏi sợ lầm thuốc dở. Nói rồi ông bỏ nhà ra đi qua nước khác và cho người về báo tin ông đã chết. Hay tin dữ, các con mất tâm của ông mới nghĩ, cha lành đã chết thì nay còn ai đâu mà cứu hộ cho mình! Vì thường nhớ thương như thế, tâm bèn
tỉnh ngộ, biết thuốc của cha để lại là hay, bèn lấy ra dùng, bao nhiêu độc bệnh đều lành hết. Nghe tin nầy, ông cha trở về xứ cho con cái thấy mặt.
“Này thiện nam tử, các ngươi nghĩ thế nào? Nói dối như ông lương y kia, có phải là một tội không?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
Đức Phật nói: “Ta cũng thế. Từ thành Phật đến nay, vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức na do tha a tăng kỳ kiếp, nhưng vì muốn cứu độ chúng sanh, cho nên phương tiện mà mà nói là sẽ diệt độ. Như vậy, đối với sự thật, cũng không thể nói rằng ta đã phạm tội nói sai nói dối”.
THÂM NGHĨA
Lời nói của Như Lai quyết định phải là lời nói chắc thật. Vậy mà trước khi nói về Như Lai thọ lượng, Phật phải ba lần nhắc nhở: “Bồ tát các ông phải tin hiểu lời nói chắc thật của Như Lai. Bởi vì nói về số lượng của tuổi thọ của Như Lai là một sự kiện khó tin đối với thường tình và vì vậy mà trở thành một sự kiện vô cùng quan trọng.
Nói về số lượng tuổi thọ của Như Lai cũng có nghĩa là nói đến sự thường hằng vĩnh cửu của Pháp thân Phật, của Như Lai Viên Giác Diệu Tâm vậy. Còn Thích Ca Mâu Ni là ứng thân Phật, thọ lượng đó không tương quan gì với Như Lai thọ lượng ở phẩm kinh nầy.
Một con số vượt ngoài tính đếm, chỉ có thể dùng từ: bất khả thuyết, bất khả thuyết, vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp để nói. Thế mà, Phật nói: Từ ta thành Phật nhẫn lại, lâu hơn số đó trăm ngàn muôn ức na do tha a tăng kỳ kiếp. Từ đó đến nay, ta thường ở cõi
Ta bà nói pháp giáo hóa và cũng ở trong trăm ngàn muôn ức a tăng kỳ cõi nước khác dắt dẫn lợi ích chúng sanh. Ở chặng giữa, ta nói Phật Nhiên Đăn v.v….xuất thế, và các Phật Niết bàn….đó là ta dùng phương tiện phân biệt mà nói như vậy.
Đúng như định nghĩa ở kinh Bát Nhã Kim Cang: Như Lai giả tức chư pháp như nghĩa. Nhược hữu nhơn ngôn: Như Lai nhược lai, nhược tọa, nhược ngọa, thị nhơn bất năng giải ngã sở thuyết nghĩa. Như Lai giả vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai: Như Lai là bản thể chơn như của các pháp. Nếu ai nói Như Lai có đến, có đi, có ngồi, có nằm, người đó không hiểu gì về Như Lai cả. Như Lai đi không chỗ từ, đến không chỗ tới. Như Lai vô thỉ vô chung. Phải hiểu Như Lai qua pháp thân thường trụ mà Đa Bảo Phật được tượng trưng Pháp thân Như Lai thường trụ về mặt thời gian. Vô lượng vô số phân
thân Phật Thích Ca khắp hằng hà sa cõi nước mười phương, tượng trưng Pháp thân Phật thường trụ về mặt không gian vậy.
Với nhận thức thông thường, đại biểu là Bồ tát Di Lặc, chỉ biết Như Lai qua bát tướng thành đạo của Phật Thích Ca cho nên nẩy sanh nghi vấn: “cha trẻ mà con già”. Nhận thức bằng trí, hiểu Như Lai qua Viên giác Diệu Tâm thì “cha không trẻ” mà rất già. Già với một số lượng tuổi thọ không ngôn từ tính đếm được.
Vì chúng sanh ưa pháp nhỏ (tiểu thừa), phước mỏng, tội dày, đáp ứng tâm hiểu biết của chúng sanh, Như Lai nói: Lúc trẻ có xuất gia, rồi được thành đạo chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Sự thật, Như Lai dùng phương tiện giáo hóa chúng sanh mà nói như vậy thôi. Kinh điển của Như Lai nói ra vì độ thoát chúng sanh. Hoặc nói thân mình, Hoặc nói thân người, hoặc chỉ việc mình, hoặc chỉ việc người. Lời nói của Như Lai đều thật chẳng dối. Vì Như Lai nhận thức tam giới đúng như thật: không có sanh tử, không vào, không ra cũng không có người đời và người diệt độ. Nó chẳng phải thật, chẳng phải hư, chẳng phải như, chẳng phải dị, chẳng phải như ba cõi mà thấy ba cõi. Các việc như thế, Như Lai thấy rõ không sai lầm. Chúng sanh có nhiều căn tánh, nhiều mong muốn, nhiều nết hạnh khác nhau, Như Lai vận dụng nhân duyên, thí dụ, lời lẽ
thuyết pháp làm Phật sự rồi nói có xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân và nhập Niết bàn. Sự thực từ Như Lai thành Phật đến nay, thật lâu xa, thọ mạng vô lượng a tăng kỳ kiếp, thường còn chẳng mất.
Như Lai nói: Như Lai sẽ diệt độ là để cho những chúng sanh giải đãi lưu tâm khởi ý tưởng khó gặp, sanh lòng cung kính tinh tấn tu hành cũng như vị lương y cắt thuốc rồi đi, để cho bịnh nhân không ỷ lại nơi thầy mà quý thuốc vậy.
Để tóm lược nghĩa trên, đức Như Lai nói kệ:
Từ ta thành Phật lại
Trải qua các số kiếp
Vô luợng trăm nghìn muôn
A tăng kỳ ức năm Thường nói pháp giáo hóa Vô số ức chúng sanh
Khiến vào nơi Phật đạo Đến nay vô lượng kiếp Vì phổ độ chúng sanh
Phương tiện hiện Niết bàn Mà thiệt chẳng diệt độ Thường nơi đời nói pháp Ta thường ở nơi đây
Dùng các thức thần thông Khiến chúng sanh điên đảo Dù gần mà chẳng thấy Chúng thấy ta diệt độ
Siêng cúng dường xá lợi Họ thường ôm luyến mộ Mà sanh tâm phát ngưỡng
Chúng sanh ý chất trực Đã tin phục nhuyển nhuần Một lòng muốn thấy Phật Chẳng tự tiếc thân mạng Giờ đây cùng chúng tăng Đều ra khỏi Linh Thứu
Ta nói với chúng sanh Thường ở đây chẳng diệt Vì dùng sức phương tiện Hiện diệt mà chẳng diệt
…Người chất trực nhu hòa
Có tu các công đức Thì đều thấy thân ta Ở tại đây nói pháp
…Các ông người có trí Chớ ở đây sanh nghi Nên dứt hẵn nghi ngờ Lời Phật thật không dối
Như lương y chước khéo Nhằm cứu trị cuồng tử Thiệt còn mà nói chết
Nhưng không là nói vọng…

SHARE THIS

Author:

Etiam at libero iaculis, mollis justo non, blandit augue. Vestibulum sit amet sodales est, a lacinia ex. Suspendisse vel enim sagittis, volutpat sem eget, condimentum sem.

0 nhận xét:

* Quý vị có thể để lại nhận xét, cảm nhận dưới mỗi bài viết nhưng:
- Không bàn luận đến chính trị của các quốc gia trên thế giới.
- Không được bàn luận hay phỉ báng bất kỳ tôn giáo nào khác.
- Không bàn luận tới sắc tộc gây chia rẽ các dân tộc trên toàn thế giới.
- Không viết những lời thô tục
- Không xúc phạm, chửi bới người khác
- Không đặt liên kết tới những Website đen, có chứa Vi rút hay những phần mềm có chứa mã độc hại
+ Chỉ bàn luận những lĩnh vực liên quan tới Phật Giáo.
+ Hãy giới thiệu Website này tới những người thân, bạn bè của quý vị. Những người không theo, sẽ theo và đã theo Đạo Phật đều có thể xem và tim hiểu trên Website này.
* Hướng dẫn viết nhận xét:
+ Viết nhận xét, cảm nghĩ vào ô bằng Tiếng Việt có dấu
+ Nhận xét với tư cách: Vui lòng nhấp vào lựa chọn trong thanh thả ( Nếu bạn có 1 blog thì hãy đăng nhập, nếu không có thì chọn Ẩn danh)
+ Cuối cùng thì kiểm tra nhận xét và nhấp vào nút: Đăng Nhận xét
* Trân trọng cám ơn!