Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH - Tập 1(Phẩm 1)

TIỂU DẪN
ĐẠI BÁT NIẾT BÀN là một thuật ngữ, Phạn ngữ gọi MA HA BÁT NIẾT BÀN NA (Mahaparinirvana). Các nhà Phật học tiền bối dịch có nhiều nghĩa:
• Đại nhập diệt tức
• Đại diệt độ
• Đại viên tịch nhập

Từ ngữ để diễn đạt về MA HA BÁT NIẾT BÀN NA thì có khác như
thế, nhưng ý nghĩa thì không có gì chống trái mà cùng gặp nhau ở điểm:
Niết bàn là cảnh giới sở chứng ở nội tâm của con người dứt hết phiền não, dứt hết sinh tử, viễn ly các tướng, viễn ly các hành, an trú tâm thanh tịnh, vắng lặng và vắng lặng một cách trọn vẹn, tận cùng trọn vẹn. ĐẠI NHẬP DIỆT TỨC hay DIỆT ĐỘ, chúng ta có thể khái niệm nhận thức như thế, thiết tưởng tạm đủ mà không cần thiết sử dụng ngôn ngữ quá dài dòng.
ĐẠI VIÊN TỊCH NHẬP có nghĩa: NIẾT BÀN là cảnh giới sở nhập của con người tu hành hằng sống. Con người có Niết bàn, “nhập” được Niết bàn, nhìn dáng vẻ và nếp sống bên ngoài thì ai cũng tưởng họ là một người bình thường như những người bình thường khác. Sự thực, đời sống của con người được ĐẠI VIÊN TỊCH này, vô lượng công đức lành họ đều thành tựu viên mãn. Thân, khẩu, ý, nghiệp của họ hoàn toàn thánh thiện, không có biểu hiện sai trái lỗi lầm. Đó là ý nghĩa của chữ VIÊN. Người bình thường, luôn sống trong ưu tư sầu muộn, phiền não nung nấu, sôi sục trào dâng, đau khổ suốt tháng quanh năm không có được một phút giây an ổn. Trái lại, người nhập NIẾT BÀN là người luôn luôn an trú trong vắng lặng, trong an ổn thảnh thơi, không một niệm khổ tâm hay một gợn phiền não dấy động trong CHƠN TÂM THƯỜNG TRÚ vốn thanh tịnh, vốn tịch diệt viên mãn của chính mình.
Nói tóm lại, vô lượng công đức lành nào cũng viên mãn. Vô lượng phiền não ưu bi nào cũng vắng lặng. Đó là ý nghĩa của ĐẠI VIÊN TỊCH NHẬP.
ĐẠI BÁT NIẾT BÀN NA là một, nhưng kinh nói về ĐẠI BÁT NIẾT BÀN NA thì tên gọi có nhiều:
• Đời Bắc Lương, Pháp sư Đàm Vô Sấm dịch, nhan đề ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH, 41 quyển.
• Đời Tấn, Pháp Sư Pháp Hiển dịch, nhan đề: PHẬT NÊ HOÀN KINH, 2 quyển.
• Đời Đường, Pháp Sư Nhã Na Bạt Đà La dịch, nhan đề: ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH HẬU PHẦN, 2 quyển
• Đời Tùy, Pháp Sư Quán Đảnh dịch, nhan đề: ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH SỚ, 33 quyển…
Còn nhiều tên nữa nhưng ở đây xin lược để tránh phiền, vì những cái không quan trọng, không cần thiết cho một hành giả.
• Đọc, học kinh Niết Bàn và tu tập theo kinh Niết bàn hành giả sẽ nhận thức rõ, Niết bàn của Đạo Phật là cảnh giới có thật, không phải là một “thế giới do tưởng tượng”, do gởi gắm tâm hồn mình nơi một “cõi nước” nào đó, hoặc gần hoặc xa. Đó là điều khó thứ nhất.
• Đọc, học kinh Niết Bàn cần có sự đầu tư nhiều về tư duy, bồi dưỡng phát huy trí tuệ, thường củng cố định tâm, tinh tấn vận dụng quán chiếu trong cuộc sống bình nhật. Đó là nhân tố, là điều kiện để thấy Niết bàn và nhập Niết bàn. Đó là cái khó thứ hai.
• Đọc, học và chứng nhập Niết Bàn, nhìn hiện tượng vạn pháp, nhận thức vũ trụ nhân sinh không còn giống như cái nhìn, cái nhận thức của chính họ ở thời gian trước đó. Giáo lý mà Phật dạy cho họ thời gian trước, họ thấy không phải mà còn ngược lại hoàn toàn. Đó là cái khó thứ ba.
• Đọc, học và chứng nhập Niết Bàn, hành giả sẽ sáng tỏ đôi mắt, rửa sạch được bụi bặm rớt trong đôi mắt từ bấy lâu nay. Hành giả biết rõ Phật thường trụ, Pháp thường trụ, Tăng thường trụ. Phật không phải chết như Đức Thích Ca đã từng chết ở rừng Ta La song thọ như mọi người vẫn thường nghĩ. Đó là cái khó thứ tư.
• Đọc, học kinh Niết Bàn, người đệ tử Phật phải học, hiểu về PHÁP THÂN PHẬT. Trụ chấp ỨNG HÓA THÂN PHẬT, thì không nên nghe, đọc, học kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN. Vì có học cũng không hiểu. Hiểu sai lạc sanh tâm bất mãn bất bình thì lại mắc cái tội phỉ báng chánh pháp Đại thừa, thiệt thòi, lỗ lã hơn nhiều. Đó là cái khó thứ năm.
• Đọc, học kinh Niết Bàn và nhập Niết bàn, hành giả thấy rõ tất cả mọi người đều có khả năng thành Phật, mọi người sẽ được thành Phật. Kể cả những người mà người đời cho là bất nhân thất đức, tạo nhiều tội ác nặng nề. Đó là cái khó thứ sáu.
Đọc, học kinh Niết Bàn có những cái khó như thế, người đọc, học, nghe kinh Niết bàn cần kiên trì, nhẫn nại, phấn đấu tư duy, nhận thức để vượt qua !
Tôi soạn bộ kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN này, dựa trên bản dịch của
Hòa Thượng GIÁO THỌ SƯ của tôi, Thượng TRÍ hạ TỊNH, vị ân sư đã
đào tạo, uốn nắn, dạy dỗ tôi từ hơn 50 năm trước. Bản dịch của Hòa Thượng được tái bản nhiều lần, lưu truyền khắp nước Việt Nam. Các tòng lâm tự viện đều có tôn thờ và thọ trì đọc tụng. Lần tái bản năm 1991 do Thành hội Phật Giáo Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, có lẽ là lần tái bản gần đây nhất.
Soạn bộ kinh này tôi lấy tên ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG. Nó được xem là một giáo tài hay một giáo án để tôi triển khai cho những hàng hậu học đang học các lớp CAO ĐẲNG NỘI MINH, cho những ai có chí hướng thượng Đại Thừa và các Phật tử tại gia có cùng chí hướng.
Ý nguyện, thiện chí của tôi là như thế, nhưng cho đến bây giờ, việc làm này tôi hứa với lòng và gởi đến những ai được đọc bộ giáo tài này, rằng: tôi làm đến đâu, biết đến đó. Có hoàn thành trọn bộ và như ý hay không, tôi xin khất, không dám hứa.
Hiện nay, mùa thu năm Canh Thìn, tháng 9 năm 2000, tuổi đời của tôi đã vượt quá “Cổ lai hy”. Đó là cái lý do tôi không dám hứa và cũng là lý do để tôi xin được các bậc cao minh lượng tình xá cho những gì sơ suất nếu có trong tác phẩm này.
Để kết thúc lời tiểu dẫn, chúng ta cùng ôn lại nguồn tư tưởng trác tuyệt Đại thừa của bậc long tượng tiền bối.
“Thân tại hải trung hưu mích thủy, Nhật hành lãnh thượng mạc tầm sơn”
Dịch nghĩa:
“Lội trong nước chớ ngây thơ tìm nước
Đi trên non đừng phí sức tìm non”
Viết tại Thao Hối Am
Mùa thu, năm Canh Thìn, tháng 9 năm 2000
Phật lịch 2544
Thích Từ Thông Hòa Thượng
PHẨM THỨ NHẤT
TỰA
Ông A Nan thuật:
Một hôm nọ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trụ ở rừng Ta La song thọ, cùng với số chúng Đại Tỳ kheo đông hằng trăm ức người.
Bấy giờ nhằm ngày rằm tháng hai, Đức Phật phổ cáo trước Đại chúng rằng: Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là chỗ nương tựa an ổn cho chúng sanh. Như Lai có lòng từ lớn, xem tất cả chúng sanh như La Hầu La. Hôm nay, Như Lai sắp nhập Đại Niết bàn, trong Đại chúng còn có điều gì nghi ngờ chưa rõ thì nên thưa hỏi. Đây là khoảng thời gian còn lại cuối cùng, giờ phút nhập Đại Niết bàn của Như Lai không còn lâu.
Lời tuyên bố của Đức Phật đã loan truyền nhanh chóng khắp cả trời người. Do sức thần, ánh sáng của Phật soi chiếu khắp các cõi lục phàm, tứ thánh. Tất cả thế giới chư Phật trong mười phương đều được tiếp xúc với ánh sáng và chứng biết là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sắp nhập Đại Niết Bàn. Tất cả có cùng một tâm trạng bàng hoàng, xúc động, tiếc thương.
Thế gian trống rỗng ! Thế gian trống rỗng ! Mặt trời sắp tắt !
Thế gian không còn ánh sáng !
Hàng người trời tự nhủ: Chúng ta nén cơn xúc động, mau đến thành Câu Thi Na, rừng Ta La Song Thọ, đảnh lễ cầu xin Đức Phật trụ thế thêm một thời gian..
Hàng hàng lớp lớp người, cùng tâm trạng kính quí và tiếc thương, sắm sửa lễ vật trân tu thượng vị, tốt đẹp báu mầu, đem đến chỗ Phật, thành tâm đảnh lễ dưới chân Phật, tác bạch cúng dường Phật và chúng tăng. Ai ai cũng mong Phật thọ nhận phẩm vật cúng dường của mình, trước giờ Như Lai nhập Đại Niết bàn.
• Đoàn một, Đại Tỳ kheo Tăng, Đại Tỳ kheo Tăng tính trên trăm vạn người, đều là bậc Vô lậu A La Hán. Đứng đầu là Tôn giả Ma Ha Ca Chiên Diên, Tôn giả Bạc Câu La…Đây là những bậc A La Hớn trồng sâu gốc rễ Đại thừa, thành tựu Không tuệ. Các ngài đến cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu trăm ngàn vòng, rồi chắp tay cung kính ngồi qua một bên.
• Đoàn hai, Tỳ kheo Ni. Đoàn Tỳ kheo Ni sáu trăm ức người đều là bậc Đại A La Hán. Đứng đầu là Thiện Hiền Tỳ kheo Ni, Ưu Bà Nan Đà Tỳ kheo Ni.v.v…Họ là những bậc điều phục các căn thanh tịnh, có oai đức lớn, thành tựu Không tuệ, nội bí Bồ tát, ngoại hiện Thanh văn tướng. Tất cả đều cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu trăm ngàn vòng, cung kính chắp tay ngồi qua một phía.
• Đoàn ba, Đại Bồ tát. Thành viên đoàn Đại Bồ tát đông một hằng sa. Địa vị các Ngài ở vào Thập địa, thường an trú hạnh Không tịch của Đại thừa, giữ gìn bảo hộ và phát triển Đại thừa. Đứng đầu là Hải Đức Bồ tát, Vô Tận Ý Bồ tát.v.v..Chư Bồ tát đồng đến chỗ Phật cúi đầu đảnh lễ, vấn an, nhiễu Phật trăm ngàn vòng, rồi cung kính lui ngồi qua một phía.
• Đoàn bốn, Ưu Bà tắc. Thành viên của đoàn đông hai hằng sa. Họ là những vị toàn phần Ưu bà tắc, thọ trì ngũ giới không sứt mẻ, đầy đủ oai nghi, kiến giải sâu rộng. Thường tư duy quán chiếu chánh pháp, thâm nhập Đại thừa. Đứng đầu là Oai Đức Ưu Bà tắc, Thiện Đức Ưu Bà tắc v.v…Nghĩ đến việc trà tỳ nhục thân của đức Phật, họ sắm sửa nhiều thứ: các thứ gỗ thơm, hương hoa, tàng lọng, xe cộ mỗi mỗi trần thiết cực kỳ đẹp đẽ sang trọng. Họ cũng sắm nhiều đồ ăn thức uống thượng vị hầu cúng dường Phật và chúng Tăng. Đến chỗ Phật cùng nhau một lòng thành kính tác bạch cúng dường. Chưa phải thời đức Như Lai không hứa nhận. Các vị buồn bã, chấp tay cung kính, lui ngồi qua một phía.
• Đoàn năm, Ưu Bà Di. Thành viên của đoàn, ba hằng sa người. Họ là những người nữ thọ trì toàn phần ngũ giới, oai nghi đầy đủ, siêng tu chánh pháp. Đứng đầu gương mẫu có tám vạn bốn ngàn người như Thọ Đức Ưu Bà Di, Đức Mãn Ưu Bà Di v.v…Chúng Ưu Bà Di này thường quán chiếu tự thân, nhận thức được tánh chất tạm bợ mong manh và bất tịnh của tự thân. Sâu sắc chứng ngộ chân lý vô thường, vô ngã, bất tịnh và khổ của cuộc sống. Họ có quyết tâm viễn ly trần cấu, cầu chứng đắc Vô thượng Bồ đề. Nay các bà sắm sửa rất nhiều phẩm vật, đồ ăn thức uống thượng vị đem dâng cúng Phật và chúng tăng. Đến chỗ Phật đồng kính lễ dưới chân Phật, tác bạch cúng dường. Chưa phải thời, Như Lai không hứa nhận. Tất cả buồn bã, chấp tay cung kính nhiễu Phật trăm ngàn vòng rồi lui ngồi qua một phía.
• Đoàn sáu, Dòng Ly Xa. Thành Tỳ Ly và quyến thuộc, các Quốc vương lân cận, quần thần và quyến thuộc. Thành viên các đoàn này đông không kể xiết, họ là những người hộ trì chánh pháp Đại thừa và kính mộ Đại thừa. Đứng đầu trong nhóm Ly Xa Tử là Tịnh Vô Cấu Ly Xa Tử, Tịnh Bất Phóng Dật Ly Xa Tử v.v….
Các Quốc vương và nhóm dòng Ly Xa, vì muốn cúng dường cho dịp lễ trà tỳ nhục thân của đức Phật, họ sắm sửa nhiều thứ gỗ thơm, dầu
thơm, hoa đẹp, tràng phan, lọng báu, lụa là, vải vóc, trang hoàng nhiều thớt xe voi, xe tứ mã lộng lẫy cực kỳ. Họ chở trên xe các thức ăn, nước uống tinh khiết, thượng vị đem đến chỗ Phật và tăng chúng. Chưa phải thời, đức Phật không hứa nhận. Mọi người buồn bã, lui ngồi một phía. Nhờ sức thần Phật, bỗng nhiên mọi người bay lên cao, cách đất bảy cây Ta La, ai nấy im lặng mà trụ giữa hư không.
• Đoàn bảy, Đại thần và Trưởng giả. Thành phần Đại thần, Trưởng giả đông không kể xiết. Đây là những người ham mộ Đại thừa, họ dẹp bỏ những tà giáo dị học, đứng đầu là Nhật Quang Trưởng giả, Hộ pháp Trưởng giả v.v…Họ sắm sửa vô số lễ vật, trân tu thượng vị để dâng cúng Phật và chúng tăng. Đến chỗ Phật, tác bạch cúng dường. Chưa phải thời, đức Phật không hứa nhận. Mọi người đều buồn bã. Do nhờ sức thần Phật họ bay lên cao cách bảy cây Ta La. Tất cả đều lẳng lặng mà trụ giữa hư không.
• Đoàn tám, Thiên nữ. Thành viên Thiên nữ số đông cũng không sao kể xiết. Đứng đầu là Tứ Thiên Vương Thiên nữ. Vô số Long vương. Đứng đầu là Bạc Nan Đà Long vương. Vô số Dạ Xoa vương. Vô số Càn Thát Bà vương. Vô số Khẩn Na La vương. Mỗi mỗi đoàn đều có Thượng thủ lãnh đạo. Họ sắm sửa lễ vật nhiều vô số đem nhau đến chỗ Phật cung kính tác bạch cúng dường. Chưa phải thời, đức Phật không hứa nhận. Tất cả buồn bã, chấp tay cung kính lui ngồi qua một phía.
• Đoàn chín, Thiên tử và Thiên vương. Thiên tử và Thiên vương số thành viên đông không kể xiết. Đứng đầu là Tứ Thiên vương. Tháp tùng đoàn Thiên tử, Thiên vương còn có vô số Long vương……vô số Càn Thát Bà vương, A Tu La vương….Ca Lâu La vương…với hàng thượng thủ của các đoàn. Tất cả có cùng một nguyện vọng, dâng cúng Phật một bữa ăn trước khi đức Phật nhập Đại Niết bàn. Họ sắm sửa toàn những thức ăn , thức uống tối hảo thượng vị đem đến rừng Ta La song thọ, cung kính nhiễu Phật trăm ngàn vòng, rồi tác bạch cúng dường lên Phật và toàn thể chúng tăng. Chưa phải thời, đức Phật không hứa nhận. Mọi người không toại nguyện, buồn bã, lui ngồi qua một phía cung kính chắp tay.
• Đoàn mười, Vô Biên Thân Bồ Tát từ thế giới Ý Lạc Mỹ Âm ở phương Đông. Đây là đoàn đại biểu Phật giáo quốc tế hải ngoại. Các Bồ tát này phải di chuyển một lộ trình xa xôi: cách đây vô lượng, vô số A tăng kỳ hằng hà sa vi trần thế giới (đại khái là: tỉ tỉ năm ánh sáng cũng chưa sánh được với đường xa của con số nói trên). Đó là thế giới của đức Hư Không Đẳng Như Lai.
Hư Không Đẳng Như Lai biết đức Phật Thích Ca Mâu Ni sắp nhập Niết bàn bèn sai đệ tử thượng túc của mình đến Ta Bà thế giới phương Tây cúng dường lễ bái Phật Thích Ca. Vô Biên Thân Bồ tát cũng như đoàn Bồ tát tùy tùng, còn có điều chi chưa thỏa mãn trên đường tu học Bồ tát đạo nhơn cơ hội này thưa hỏi, đức Phật Thích Ca sẽ giải thích cho. Các Bồ tát lãnh ý chỉ ra đi….
Các thế giới đoàn Bồ tát đi qua cũng như thế giới Ta Bà đoàn Bồ tát sắp đến bỗng nhiên rực rỡ hào quang. Núi sông, đất liền, cỏ cây, hoa lá đều chuyển thành màu sắc tươi mát đẹp đẽ chưa từng có. Duy có hàng trời người tự thấy mình như mất hết uy đức và hào quang.
Đại chúng có số giao động và run sợ. Biết rõ tâm niệm ấy, Bồ tát Đại Trí Văn Thù trấn an: Đại chúng đừng lo sợ, đấy là điềm báo trước đoàn Bồ tát ở thế giới Ý Lạc Mỹ Âm, đứng đầu Bồ tát Vô Biên Thân sắp đến thế giới Ta Bà này để ra mắt Như Lai và cúng dường trước khi Thích Ca Mâu Ni ĐẠI BÁT NIẾT BÀN.
Đến trước Phật, đoàn Bồ tát hải ngoại bạch với Như Lai, nói lời vấn an thăm hỏi Thích Ca Mâu Ni Như Lai. Bấy giờ Vô Biên Thân Bồ tát dâng phẩm vật cúng dường. Chưa phải thời, đức Phật không hứa nhận. Các Bồ tát cung kính ngồi sang một phía.
Toàn thể hải hội do sức thần Phật, đại chúng đồng xem thấy thế giới chư Phật ở phương Nam, phương Tây và phương Bắc. Lại thấy thế giới chư Phật ở Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc và Tây Bắc. Thế giới chư Phật ở thượng phương và hạ phương. Mười phương thế giới hợp thành một thế giới. Mỗi thế giới chư Phật có một Vô Biên Thân Bồ tát làm thượng thủ. Lần lượt các đoàn Bồ tát đến rừng Ta La Song Thọ cúi đầu làm lễ ra mắt, vấn an Như Lai, dâng phẩm vật, tác bạch cúng dường Phật và đại chúng. Chưa phải thời, đức Như Lai không hứa nhận. Liệt vị Bồ tát cung kính ngồi qua một phía.
Bấy giờ từ diện Phật phát ra ánh sáng (hào quang theo nghĩa quen gọi). Giây phút ánh sáng lại thu vào miệng Phật. Nhiều người cùng cho đó là điềm Như Lai Thế Tôn sắp nhập Niết bàn, tiếng sùi sụt, tiếng than khóc thì thào: Khổ thay ! Đau thương thay ! Sao đức Thế Tôn rời bỏ bốn tâm vô lượng, không nhận sự cúng dường của trời người ! Ôi ! Mặt trời tuệ từ đây tắt mất. Thuyền chánh pháp nay lại sắp chìm. Thế gian trống rỗng ! Khổ thay ! Khổ thay !
TRỰC CHỈ
* NHƯ LAI ĐẠI NIẾT BÀN, một sự kiện tối quan trọng về mặt tư
tưởng và giáo lý của đạo Phật.
PHẬT THÍCH CA MÂU NI nhập ĐẠI NIẾT BÀN, không ai được hiểu ý nghĩa đó một cách đơn giản giống như là: “Đức Phật Thích Ca chết”.
Cái từ NHƯ LAI ở vào thời điểm sắp nhập Đại Niết Bàn này, không được hiểu qua hình tướng một ông Phật có đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, động, tĩnh như mọi người bình thường nghĩ, mà phải hiểu là: NHƯ LAI PHÁP THÂN. Kinh Kim Cang Bát Nhã định nghĩa: “Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ”, NHƯ LAI là bản thể CHÂN NHƯ của vạn pháp, NHƯ LAI hiện hữu không có mối khởi đầu, không có điểm chấm dứt.
Kinh gọi là PHÁP THÂN TỲ LÔ GIÁ NA PHẬT, đó là: “Phật pháp thân, biến nhất thiết xứ”.
* ĐẠI BÁT NIẾT BÀN, Trung hoa dịch: ĐẠI NHẬP DIỆT TỨC. “Diệt” là dứt sạch hết vô minh trong cửu giới. “Tức” là viễn ly vọng tưởng điên đảo của lục đạo tứ sanh. ĐẠI NHẬP DIỆT TỨC có nghĩa là: Đi vào cảnh giới “tịch diệt” vĩnh hằng vĩ đại. Nói cách khác, trở về cảnh giới “đại tịch diệt”, “cứu cánh thanh tịnh”.
Hiện tượng bong bóng, bọt hòa tan về bản thể nước của nó, không ai nói bong bóng, bọt đã mất. NHƯ LAI đi vào cảnh giới “đại tịch diệt CHƠN NHƯ”, thì cũng không ai được hiểu rằng “Đức NHƯ LAI đã chết”.
Phàm phu mà tu tập, năng quán chiếu, tư duy chánh pháp cũng nhập
được Niết bàn nhưng chỉ có vài phút giây ngắn ngủi.
Đại A La Hán, thường được nhập Niết bàn ngay trong bình nhật cuộc sống.
Đại Bồ tát và Phật thì luôn luôn an trú trong Niết bàn.
ĐẠI BÁT NIẾT BÀN, dành riêng cho NHƯ LAI THẾ TÔN đề cập khi chấm dứt cuộc hành trình hóa độ chúng sanh.
“Tỳ Gia thành lý bất tằng sanh
Ta La thọ gian bất tằng diệt…”
* Một sai lầm lớn lao có dụng ý. Đọc phẩm TỰA kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN, ta thấy mười đoàn thể gồm hết “tứ thánh” và “lục phàm”. Đoàn thể nào đến viếng thăm cũng áo não, khóc than, buồn khổ. Dâng cúng thức ăn, món uống đến Như Lai cũng với vẻ buồn khổ, áo não, khóc than. Họ tưởng chừng sự kiện nhập Đại Niết bàn của Như Lai, giống hoàn cảnh và tâm trạng của phàm phu: Một lần ra đi là một lần vĩnh viễn chia ly….vậy.
Sự sai lầm đó, là lý do đức Phật không thọ nhận tài vật, thực phẩm cúng dường.
Sự sai lầm đó, khiến ta cắt nghĩa không khó khăn: Rằng tại sao mười đoàn thể khó nhọc, xa xôi mang quà, chở phẩm vật đến cúng dâng Phật mà Phật không thọ nhận của ai hết, chỉ vì “CHƯA PHẢI THỜI”.
“CHƯA PHẢI THỜI” cũng có nghĩa: đại chúng chưa hiểu NHƯ
LAI. Chưa hiểu Như Lai nên Như Lai chưa hứa nhận.
Như Lai nhập Niết bàn, nào phải Như Lai chết chóc gì đâu ! “Ta La thọ gian bất tằng diệt…”
Từ vô số kiếp đến nay, thực sự Như Lai không có đói khát, Như Lai chẳng có uống ăn.
“Tỳ Gia thành lý bất tằng sanh !”
Sự kiện Thích Ca Mâu Ni nhập Niết bàn là sự kiện tương quan đến mười phương thế giới. Nói cách khác: Sự kiện mười phương thế giới tương quan trách nhiệm chung. Số đại biểu các phái đoàn đông vô lượng, vô số bất khả thuyết hằng sa vi trần thế giới…không phải riêng người của nước Ấn độ, của thành Tỳ Gia Ly thời xưa.
Giáo lý: PHÁP GIỚI BẤT NHỊ (pháp giới trong mười phương cùng chung một bản thể, không hai) của đạo Phật, giải thích rất dễ hiểu bởi sự kiện này.
* NHƯ LAI ĐẠI NIẾT BÀN là việc hiểu, thấy, biết và hành động của người Đại thừa. Người không có chủng tánh Đại thừa thì dù ở kế cận rừng Ta La Song Thọ cũng chưa hẳn họ có tương quan đừng nói chi đến việc cung kính cúng dường tôn trọng. Cho nên không lấy làm lạ, tất cả đoàn với số đông như vậy mà đoàn nào cũng toàn là người phát tâm Đại thừa, tu tập Đại thừa và bảo hộ Đại thừa. Rõ là: thầy sao trò vậy !
Tuy vậy, người trí cũng không chủ quan, không lạc quan với số người Đại thừa đông đảo ấy. Người trí hiểu rõ ngày rằm tháng hai, NHƯ LAI ĐẠI NIẾT BÀN. Còn số người ở nhà không hay không biết và chưa hề nghe NHƯ LAI, PHẬT là ai ? Số người ấy còn đông đảo hơn số mười đoàn đại biểu đến viếng Phật.
* …TÙNG THỊ TÂY PHƯƠNG QUÁ THẬP VẠN ỨC PHẬT ĐỘ HỮU THẾ GIỚI DANH VIẾT CỰC LẠC, KỲ ĐỘ HỮU PHẬT HIỆU A DI ĐÀ KIM HIỆN TẠI THUYẾT PHÁP…”
Trong kinh A Di Đà, Phật Thích Ca dạy Xá Lợi Phật:…Từ đây (cõi Ta bà) đi qua HƯỚNG TÂY, trải mười muôn thế giới Phật, có một thế giới tên CỰC LẠC. Đức giáo chủ là Phật A Di Đà, đang thuyết pháp hiện nay…
Do lời dạy đó người ta hiểu thế giới Ta bà ở vào hướng Đông. Không sai.
Đúng chân lý, vấn đề Đông Tây không có chuẩn nhất định. Tây phương Ta bà Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni. Không sai.
Thế giới Ý Lạc Mỹ Âm ở phương Đông, Bồ tát Vô Biên Thân đến, thế
giới Ta bà thành Tây phương. Không sai.
Nhận thức về vũ trụ, thế giới của đức Phật Thích Ca hai mươi lăm thế kỷ trước: “Hằng hà sa số…” cho đến ngày nay, sau hai mươi lăm thế kỷ, khoa học thiên văn tìm hiểu và xác định những điều mà đức Phật đã xác định từ xưa.

SHARE THIS

Author:

Etiam at libero iaculis, mollis justo non, blandit augue. Vestibulum sit amet sodales est, a lacinia ex. Suspendisse vel enim sagittis, volutpat sem eget, condimentum sem.

0 nhận xét:

* Quý vị có thể để lại nhận xét, cảm nhận dưới mỗi bài viết nhưng:
- Không bàn luận đến chính trị của các quốc gia trên thế giới.
- Không được bàn luận hay phỉ báng bất kỳ tôn giáo nào khác.
- Không bàn luận tới sắc tộc gây chia rẽ các dân tộc trên toàn thế giới.
- Không viết những lời thô tục
- Không xúc phạm, chửi bới người khác
- Không đặt liên kết tới những Website đen, có chứa Vi rút hay những phần mềm có chứa mã độc hại
+ Chỉ bàn luận những lĩnh vực liên quan tới Phật Giáo.
+ Hãy giới thiệu Website này tới những người thân, bạn bè của quý vị. Những người không theo, sẽ theo và đã theo Đạo Phật đều có thể xem và tim hiểu trên Website này.
* Hướng dẫn viết nhận xét:
+ Viết nhận xét, cảm nghĩ vào ô bằng Tiếng Việt có dấu
+ Nhận xét với tư cách: Vui lòng nhấp vào lựa chọn trong thanh thả ( Nếu bạn có 1 blog thì hãy đăng nhập, nếu không có thì chọn Ẩn danh)
+ Cuối cùng thì kiểm tra nhận xét và nhấp vào nút: Đăng Nhận xét
* Trân trọng cám ơn!