Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

KINH PHÁP HOA - Trọn bộ (PHẨM 27)

PHẨM 27
DIỆU TRANG NGHIÊM VƯƠNG BỔN SỰ
Lúc bấy giờ, phật bảo đại chúng. thuở xưa, cách đây vô lượng vô biên kiếp, có đức Phật hiệu Vân Lôi Âm tú Vương Hoa Trí, tại nước Quang Minh Trang Nghiêm, kiếp tên là Hỉ Kiến.
Tại Pháp hội của đức Phật đó, có một nhà vua tên là Diệu Trang Nghiêm, phu nhân tên là
Tịnh Đức và hai con tên là Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn.

Hai người con có sức thần thông lớn, có phước đức và trí tuệ, từ lâu tu tập 10 pháp ba la mật, rành cả 37 phẩm trợ đạo, lại các môn tam muội của Bồ tát như: Nhậ tinh tú, Tịnh quang, Tịnh sắc, Tịnh chiếu, Trường trang nghiêm, Đại oai đức.
Lúc đó, vì muốn dẫn đường cho vua Diệu Trang Nghiêm và cũng vì lòng thương chúng sanh, Phật Âm Lôi Âm nói kinh Pháp Hoa này.
Bấy giờ, Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn đến chỗ mẹ ở, chắp tay thưa: “Xin mẹ đến chỗ Phật Vân Lôi Âm ngự, chúng con cũng sẽ theo hầu để gần gũi và cúng dường Phật”. Vì sao ? Vì Phật đang vì Trời, người nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nên phải nghe và tin nhận.
Phu nhân bảo hai con: Cha chúng con tin theo ngoại đạo, nhiễm sâu pháp Bà la môn, các con nên qua thưa với cha chúng con để cùng nhau đồng đi.
Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn thưa: Chúng con là con của Vua Pháp, sao lại sanh vào nhà tà kiến ?
Phu nhân dạy: Các con nên thương tưởng cha các con mà hiển phép thần thông biến hóa, thấy được phép ấy, ắt lòng cha con thanh tịnh, hoặc nghe lời chúng ta mà qua đến chỗ Phật.
Ngay lúc đó, hai người con, vì tưởng nhớ đến cha, bay vọt lên hư không cao bằng bảy
cây đa la, hiện các món thần thông, như: đi, đứng, ngồi, nằm trong hư không, trên thân ra nước, dưới thân ra lửa, dưới thân ra nước, trên thân ra lửa, hoặc hiện thân lớn đến chiếm hết hư không rồi hiện lại nhỏ, nhỏ lại hiện ra lớn, ẩn mất trong hư không rồi bỗng nhiên hiện ra trên đất, vào đất như vào nước, đi trên nước như đi trên đất.
Thấy thần lực của con như vậy, vua cha lòng rất vui mừng, như được vật chưa từng có, bèn chắp tay hướng về phía con mà nói rằng: Thầy của các con là ai ? Các con là đệ tử của ai ?
Hai con thưa: Phụ vương nay đã tin hiểu, có thể kham phát tâm Vô Thượng Giác. Chúng con đã vì cha mà làm xong Phật sự rồi, vậy mong mẹ bằng lòng cho chúng con xuất gia tu hành ở chỗ đức Phật Lôi Âm. Nói xong, hai người lại đọc bài kệ:
Xin mẹ cho các con Xuất gia làm Sa môn Các Phật rất khó gặp Cho con theo Phật học Gặp hoa Ưu đàm khó Gặp Phật còn khó hơn Khỏi các nạn cũng khó, Nên cho con xuất gia.
Mẹ liền bảo: “Cho các con xuất gia, vì Phật rất khó gặp”.
Hai con liền thưa: thưa cha mẹ, như thế thì hay lắm ! Chúng con xin qua chỗ Phật Vân lôi
Âm để gần gũi cúng dường. Khó cho người gặp hoa Linh Thoại, khó cho rùa một mắt, gặp bông cây nổi, gặp được Phật cũng khó như thế. Chúng ta phước đức đời trước sâu dày nên mới sanh đời này gặp Phật pháp, bởi vậy xin cha mẹ nghe chúng con mà xuất gia. Các đức Phật khó gặp, thời kỳ gặp Phật cũng khó có.
Lúc đó, nơi hậu cung vua Diệu Trang Nghiêm có 84.000 người đều có thể thọ trì được kinh Pháp hoa này. Còn Bồ tát Tịnh Nhãn và Bồ tát Tịnh Tạng, vì muốn làm cho tất cả chúng sanh xa lìa các đường dữ, nên Tịnh Nhãn đã từ lâu thông đạt “Pháp Hoa Tam Muội”, và Tịnh Tạng từ vô lượng kiếp đã thông đạt môn “Ly chư ác thú tam muội”.
Phu nhân của vua được môn “Chư Phật Tập tam muội” năng biết tạng bí mật của chư
Phật.
Nhờ hai con dùng sức phương tiện khéo hóa độ như thế, lòng vua tin hiểu, ưa mến Phật pháp.
Bấy giờ, nhà vua với quần thần quyến thuộc, Tịnh Đức phu nhân với thế nữ nơi hậu cung, hai vương tử với 42,000 người đồng một lúc đi qua chỗ Phật Lôi Âm ở. Đến nơi rồi, tất
cả đều làm lễ rồi đứng qua một bên. Phật vì vua nói Pháp, chỉ dạy điều lợi ích, vui mừng, nhà vua lấy làm vui đẹp.
Bấy giờ, vua Diệu Trang Nghiêm cùng phu nhân mở chuỗi trân châu giá trị trăm ngàn đang đeo ở cổ, tung rải trên đức Phật. Trong hư không, chuỗi ấy hóa thành đài báu bốn trụ, trên đài có giường báu lớn, trăm ngàn muôn thiên y phủ lên, trên đó có Phật ngồi kiết
già, phóng hào quang sáng lớn. Nhà vua mới nghĩ rằng: Thân Phật ít có, đoan trang, nghiêm chỉnh hết sức đặc thù, là một sắc thân vi diệu bậc nhất.
Bấy giờ Phật Lôi Âm bảo bốn chúng: Các người thấy vua Diệu Trang Nghiêm chắp tay đứng trước ta đó chăng? Nhà vua ở trong pháp ta, làm Tỳ kheo siêng năng tu tập các pháp trợ Phật đạo, rồi đây sẽ được làm Phật, hiệu là Ta La Thọ Vương, Phật Ta La Thọ Vương có vô lượng Bồ tát và vô lượng Thanh văn.
Vua Diệu Trang Nghiêm tức thì giao nước cho em, rồi cùng phu nhân, hai người con và quyến thuộc, ở trong Phật pháp xuất gia tu hành.
Xuất gia rồi, trong 84.000 năm, thường tinh tấn tu hành theo kinh Diệu Pháp Liên Hoa; sau đó được tam muội “Nhất thế Tịnh Công đức Trang Nghiêm”. Được tam muội rồi, liền bay lên hư không, cao bảy cây đa la mà bạch Phật: Thế Tôn ! Hai người con của con đây đã làm Phật sư, dùng thần thông biến hóa xoay tâm tà của con, khiến con an trụ trong
Phật pháp mà được thấy Thế Tôn. Hai người con ấy là thiện tri thức của con, vì muốn phát khởi căn lành đời trước, làm lợi ích cho con, nên đến sanh vào nhà con.
Phật Vân Lôi Âm bảo nhà vua: Đúng thế ! Đúng thế ! Quả như lời ông nói, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào trồng cội lành, thì đời đời được gặp hàng thiện tri thức hay làm Phật sự, chỉ dạy cho sự lợi ích vui mừng, khiến vào đường Vô Thượng Giác.
Đại Vương nên biết ! Nhân duyên lớn nào mà giáo hóa, dìu dắt làm cho được thấy Phật, phát tâm Vô Thượng Giác thì đó là thiện tri thức.
Đại Vương ! Đại Vương thấy hai người con này chăng ? Hai người ấy đã từng cúng dường 650.000 muôn ức Hằng hà sa đức Phật, thân cận cung kính chư Phật, nơi chỗ chư Phật ở, thọ trì kinh Pháp Hoa thương tưởng những chúng sanh tà kiến mà khiến cho họ trụ trong chánh kiến.
Vua Diệu Trang Nghiêm, từ trên hư không xuống, tán thán công đức Như Lai xong, liền bạch Phật: Thế Tôn ! Thật là chưa từng có, pháp của Như Lai đầy đủ những công đức vi diệu làm nên Phật sự không thể nghĩ bàn, dạy răn việc làm, khiến được an ổn rất hay. Từ nay, con nguyện không còn theo “tâm hành” của mình nữa, chẳng sanh lòng tà kiến, ngạo nghễ, giận hờn”.
Thưa xong, vua làm lễ rồi lui ra.
Phật bảo đại chúng: Ý các ngươi nghĩ sao ? Vua Diệu Trang Nghiêm đâu phải người nào lạ, chính nay là Bồ tat Hoa Đức hiện ở trước Phật đó. Hai người con là Bồ tát Dược Vương và Dược Thượng vậy. Hai Bồ tát naỳ đã thành tựu các công đức lớn như thế, ai mà biết danh tự của hai Bồ tát đó, thì đáng cho nhân thiên lễ lạy.
Lúc Phật nói phẩm “Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn sự” này, có 84.000 người xa trần lụy, rời cấu nhiễm, ở trong các [pháp “nhãn tịnh”.
THÂM NGHĨA
Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn sự nầy, Phật nói về chuyện tiền kiếp xa xưa của Bồ tát Dược Vương và Dược Thượng, hai con của Diệu Trang Nghiêm Vương cách đây vô lượng vô biên a tăng kỳ hằng hà sa kiếp, ở vào thời Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai.
Chuẩn bị nói kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa, ngay ở phẩm Tựa, Phật cho đại chúng biết rằng: Cách đây vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp về trước có hai muôn đức Phật nối tiếp ra đời, cùng một hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh, Đức Phật rốt sau vốn là một nhà
vua, trước khi xuất gia đã có 8 người con tên: Hữu Ý, Thiện ý, Vô Lượng ý, Bửu Ý, Tăng ý, Trừ Nghi ý, Hưởng ý và Pháp ý. Tám người con nghe vua cha xuất gia, chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác bèn xuất gia và đều làm nên Phật sự.
Ở phẩm thứ 27, Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn sự sắp kết thúc thời pháp nói về kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa, Phật cũng lại nói lên câu chuyện của một nhà vua nhưng ngược lại với nhà vua được giới thiệu ở phẩm Tựa là con và vợ đi tu trước, và con đã có thần thông, vua cha thấy vậy mới xuất gia theo.
Qua hai sự kiện “lịch sử” xa xưa đó, ta thấy dụng ý bố cục về thời pháp Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa. Ta có thể hiểu mật ý của Phật qua hai câu chuyện ‘bổn sự” đó nhằm chỉ dạy cho người đệ tử Phật rằng: Trong nước, vua là quan trọng. Trong con người, Đệ bát thức tâm vương là quan trọng.
lật đổ, tấn phong một ông vua là phải trải qua một biến cố. Cải tạo, chuyển hóa Tâm vương cũng phải qua một biến cố “lục chủng chấn động” tức là tiền lục thức rung chuyển ở cõi đất tâm.
Ở phẩm Tựa, vua cha tu trước thành Phật, con thấy vậy xuất gia tu theo. Có nghĩa là phát tâm dũng mãnh xuất gia trước, lần lần chuyển hóa, cải tạo tiền thất thức từ từ. Ở phẩm 27, con và vợ tu trước có thần thông…vua cha thấy vậy tu theo. Có nghĩa là chuyển hóa, cải tạo tiền thất thức trước, để làm tăng thượng duyên cải tạo A lại da, chuẩn bị tiến lên quả Phật.
Hai sự kiện “lịch sử bổn sanh” lâu đời ấy chỉ cho Phật tử hai phương pháp chuyển hóa bát thức tâm vương qua hai chiều thuận nghịch. Tùy nhân duyên hoàn cảnh, mỗi người đều có thể chuyển hóa một trong hai cách, cách nào cũng thành công được.
Tịnh Nhãn biểu trưng cho nhãn thức. Tịnh Tạng biểu trưng cho ý thức.
Nói Nhãn và Ý, ẩn lược Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân thức hàm chứa ở trong đó. như nói “Tri kiến” là gồm công dụng của 6 giác quan vậy. Tịnh Đức phu nhân biểu trưng đệ thất mạt na. Vậy Tịnh Nhãn, Tịnh Tạng và Tịnh Đức phu nhân ám chỉ cho bảy thức tâm vương trước. Diệu Trang Nghiêm Vương ám chỉ cho đệ bát A laị da.
Nói rằng Tịnh Nhãn, Tịnh Tạng hiện thần biến, có nghĩa là hai người con này đã có sự tự tại giải thoát, trong mọi triền phược khổ đau mà người thường bị hãm vây ràng buộc bởi: lửa, nước, đất, không, cao, thấp, lớn, nhỏ, trên, dưới, đi, đứng, nằm, ngồi trong cuộc
sống.
Vua cha thấy sự tự tại, giải thoát của hai con mà lòng ham mộ, nghĩ rằng địa vị của một nhà vua, chỉ vì cái ta và cái của ta mà suốt cuộc đời chẳng có chút giải thoát tự do nào. Cho nên sau đó, vua giao nước cho em, rồi đi xuất gia hành đạo giải thoát.
Tâm vương mà chuyển hóa được thanh tịnh, thì tất cả tâm sở cũng sẽ được chuyển hóa theo. Vua Diệu Trang Nghiêm xuất gia theo đó 84.000 người ở hậu cung của vua cũng đều thọ trì tu học kinh Pháp Hoa thông thuộc.
Chuỗi ngọc trân châu, kim cương, vàng bạc mà sử dụng không đúng chỗ, nó trở thành nguyên nhân tai họa, đau khổ và chết chóc. Biết cởi mở, biết hiến dâng đúng thời, đúng lúc; vì giác ngộ giải thoát mà hiến dâng thì trân châu, vàng bạc trở thành như một thứ công cụ phục vụ cho Phật pháp, chói lọi ánh sáng quang minh vĩ đại, làm cho người hiến dâng thấy Phật, thấy pháp, thấy được tướng giải thoát giác ngộ ngay trước mắt.
Gặp gỡ thiện tri thức, làm tăng thượng duyên dắt dẫn cho nhau đi trên đường giải thoát giác ngộ, đó không phải là việc ngẫu nhiên. Người Phật tử phải tin như vậy. Nhưng người Phật tử cũng không được tin đó là định mệnh an bài hay sự ân sủng của một thế lực siêu nhiên. Mà đó là kết quả do ta đã gieo hạt tốt, trồng cây lành ở đời này hay đời khác.
Người thiện tri thức làm tăng thượng duyên ấy, với bản thân họ, cũng không phải chuyên ngẫu nhiên. Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí nói với vua Diệu Trang Nghiêm rằng: “Hai người con này của Đại Vương đã đồng cúng dường 65.000 muôn ức na do tha hằng hà sa các đức Phật, gần gũi, cúng dường, và thọ trì kinh Pháp Hoa, thường thương tưởng những chúng sanh tà kiến mà làm người thiện tri thức để khiến cho họ được vào chánh kiến.
Vua Diệu Trang Nghiêm xưa kia, này là Bồ tát Hoa Đức ở trước Phật đây. Còn Tịnh Nhãn và Tịnh Tạng hồi đó, nay là Dược Vương và Dược Thượng Bồ tát đấy. Rõ là: Bồ tát không sợ sanh tử, chẳng ham Niết Bàn. Vì sanh tử không làm cho Bồ tát khổ đau, thì “sanh tử tức Niết bàn” vậy. Công đức tu hành, cội lành đã trồng ở vô lượng vô biên a
tăng kỳ hằng hà sa số kiếp trước, thế mà, đến nay vẫn còn là Bồ tát Hoa Đức, Bồ tát Dược Vương, Bồ tát Dược Thượng. Các Ngài không mong Niết bàn mà cũng chưa cầu thành Phật, để rồi mình sẽ được ở một cõi nước giàu đẹp, sang trọng: vàng bạc, lưu ly pha lê…các trân bảo hợp thành.
Bởi vì Bồ tát hiểu rằng:
Với một tấm lòng đầy bất mãn thì ở trên vàng bạc, lưu ly, pha lê….cũng không an vui, giải thoát và sung sướng được đâu. Phải biết đủ, chỉ có biết đủ thì dù đạm bạc, thô sơ, giản dị cũng đủ đem lại cho người ta sung sướng, mát mẻ, an vui, thoải mái và bằng lòng. Nếu đừng cắt nghĩa chữ Niết bàn với ý tham vọng mù quáng xa xôi của những người chưa hiểu được đạo Phật thì: sung sướng, mát mẻ, an vui, thoải mái và bằng lòng đó chính là Niết bàn. Có từng ấy yếu tố là có Niết bàn rồi vậy. Tuy nhiên, Niết bàn có Niết bàn hữu thượng và Niết bàn vô thượng. Điều đó tùy thuộc ở sự đoạn “hoặc” cứu cánh hay chưa cứu cánh của mỗi người.
Thảo nào, đến nay mà ba Bồ tát còn ở cõi Ta bà, không xin “bổ nhiệm” một cảnh giới
đẹp đẽ cao sang nào khác.
Người mà biết danh tự của hai vị Bồ tát Dược Vương và Dược Thượng thì trời và người nên pháp tâm cung kính. Vì hai Bồ tát nầy phương thuốc chúa và phương thuốc thượng đẳng có thể cứu bệnh khổ chúng sanh trong vô lượng đời.

SHARE THIS

Author:

Etiam at libero iaculis, mollis justo non, blandit augue. Vestibulum sit amet sodales est, a lacinia ex. Suspendisse vel enim sagittis, volutpat sem eget, condimentum sem.

0 nhận xét:

* Quý vị có thể để lại nhận xét, cảm nhận dưới mỗi bài viết nhưng:
- Không bàn luận đến chính trị của các quốc gia trên thế giới.
- Không được bàn luận hay phỉ báng bất kỳ tôn giáo nào khác.
- Không bàn luận tới sắc tộc gây chia rẽ các dân tộc trên toàn thế giới.
- Không viết những lời thô tục
- Không xúc phạm, chửi bới người khác
- Không đặt liên kết tới những Website đen, có chứa Vi rút hay những phần mềm có chứa mã độc hại
+ Chỉ bàn luận những lĩnh vực liên quan tới Phật Giáo.
+ Hãy giới thiệu Website này tới những người thân, bạn bè của quý vị. Những người không theo, sẽ theo và đã theo Đạo Phật đều có thể xem và tim hiểu trên Website này.
* Hướng dẫn viết nhận xét:
+ Viết nhận xét, cảm nghĩ vào ô bằng Tiếng Việt có dấu
+ Nhận xét với tư cách: Vui lòng nhấp vào lựa chọn trong thanh thả ( Nếu bạn có 1 blog thì hãy đăng nhập, nếu không có thì chọn Ẩn danh)
+ Cuối cùng thì kiểm tra nhận xét và nhấp vào nút: Đăng Nhận xét
* Trân trọng cám ơn!