Thứ Hai, 4 tháng 10, 2010

KINH PHÁP HOA – Trọn bộ(PHẨM 1)

DUYÊN KHỞI TỰ
Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh là một bộ kinh được lưu truyền sâu rộng ở các nước Phật giáo theo hệ tư tưởng Đại thừa. Ở Trung Quốc, vào đời Diêu Tân khoảng cuối thế kỷ thứ ba, Ngài Cưu Ma La Thập, một nhà sư người Ấn dịch từ Phạn văn ra Hán văn với nhan đề Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. sư Quách Hoàng, sư Trúc Pháp Hộ dịch nhan đề là Chánh Pháp Hoa Kinh. Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam những nước cùng một khuynh hướng ái mộ tư tưởng Đại thừa đề tôn trọng bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập.
Ở Việt Nam khắp tòng lâm, tự viện, am thất chỗ nào không có kinh Pháp Hoa gần như chỗ đó được như xem như thiếu Phật. Xem thế đủ biết “diệu lực” của kinh Kinh Pháp Hoa, đức tin của người Phật tử đối với kinh Pháp Hoa thâm hậu biết chừng nào!
Ở Việt Nam ta có hai bản dịch từ Hán văn ra Việt văn sớm nhất. Bản dịch của ông Đoàn Trung Còn xuất bản vào năm 1936. Bản dịch này, ở vào thời đại bấy giờ kinh Pháp Hoa chưa được phổ biến nhiều. Đến năm 1948 bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh ra
đời, do Liên Hải Phật Học Đường xuất bản, có lẽ do thiên thời, địa lợi, nhơn hòa, vì mầm chấn hưng Phật giáo được manh nha từ thời điểm ấy cho nên bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh được phổ biến rông, tái bản nhiều lần và truyền bá, thọ trì đọc tụng hầu khắp tự viện, tòng lâm cho đến ngày nay.
Vấn đề: Vì sao đồng bào Phật tử ham tụng kinh Pháp Hoa? Có sự linh nghiệm, cảm ứng thế nào? Tôi xin phép miễn bàn về việc đó.
Riêng tôi xin dâng hết tâm thành lên Đức Phật, mà khẳng định rằng: “Tụng kinh giả, minh Phật chi lý” nghĩa là: Đọc kinh cốt để tìm hiểu giáo lý Đức Phật muốn dạy gì cho mình.
Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, người có chủng tánh Đại thừa, có được ít nhiều tuệ nhãn, nhìn vào như nhìn hạt ngọc kim cương. Tùy góc đứng khác nhau mà ngọc kim cương ảnh hiện màu sắc khác nhau, nhưng màu sắc nào cũng đều rực rỡ. Tùy khả năng tư duy tu của hành giả mà nhận thức cái “diệu nghĩa” của kinh một khác. Bởi lẽ đó, kinh Diệu Pháp Liên Hoa xuất hiện ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam đến nay đã ngót hai ngàn năm mà sức sống càng mạnh và rông. Các tiền bối trong Phật giáo đã đầu tư trí tuệ,
ra sức phát huy cái “diệu nghĩa”, “huyền nghĩa”, “thông nghĩa”, “mật nghĩa” của kinh Diệu Pháp Liên Hoa mà hình như chưa có vị nào có thể cho là mình bằng lòng trọn vẹn. Bởi kinh Pháp Hoa là kinh: “Duy hữu Phật dữ Phật nãi năng tri chi” (chỉ có Phật với Phật mới hiểu hết cái diệu lý của kinh). Tuy nhiên, mỗi ngài đều có cái tâm đắc, cái tuệ nhãn riêng để nhận thức tương đương với sự thâm ngộ và thể nhập của mình. Mỗi ngài viết ra thành tác phẩm giữ lại làm tài liệu nhằm ghi lại cái kết quả đó. Còn vấn đề đem lại lợi lạc ít hay nhiều cho tăng tín đồ Phật giáo, thì còn tùy thuộc nhân duyên, căn cơ và chủng
tánh nữa.
Nhìn lịch sử nghiên cứu sớ thích giảng giải kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đã thấy trong quá khứ:
• Pháp Hoa Văn Cú của Thiên Thai Trí Giả Đại Sư
• Pháp Hoa Nghĩa Sớ của Sa môn Cát Tạng
• Pháp Hoa Du Ý của ngài Khuy Cơ
• Pháp Hoa Huyền Tán của ngài Nguyên Hiểu
• Pháp Hoa Tông Yếu của ngài Minh Chánh
• Pháp Hoa Huyền Nghĩa của Cư sĩ Chánh Trí và sinh tiền:
• Pháp Hoa Cương Yếu của Hòa thượng Thích Trí Tịnh
Nhìn chung, sự nhận thức và triển khai của các Ngài, mỗi người mỗi vẻ, vẻ nào cũng có cái hay cái diệu riêng của nó.
Tôi một hậu học là một bần tăng cô lậu, có chút ít quá trình lạm dụng bút nghiên, lợi dụng cái vốn của những bậc Thầy tôn kính của tôi: Hòa Thượng Thượng Trí hạ Tịnh, Hòa Thượng Thượng Thiện hạ Hòa, Hòa Thượng Thượng Thiện hạ Hoa v.v…đã dày công uốn nắn giáo dục tôi và truyền thọ cho tôi phần gia bảo vô giá mà các ngài đã thừa kế sự nghiệp Như Lai để lại.
Tâm đắc nguồn tư tưởng liễu nghĩa Thượng thừa trác tuyệt của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, theo sở ngộ của mình tôi viết ra những tinh hoa thâm nghĩa ở sau mỗi phẩm của kinh văn đã được tóm lược và đặt cho giáo án này cái nhan đề:
Gọi là “giáo án” hay “giáo trình” cũng vậy, vì những kinh luận tôi biên soạn để triển khai, giảng dạy cho những người hậu học chớ không nhằm phục vụ cho tụng đọc, cho nguyện cầu để được phước. Bởi vì, theo lời Phật dạy; người được phước phải là người chế ngự những thói hư tật xấu, những bất thiện nghiệp của thân, khẩu, ý của mình.
Ngoài lý tưởng thiêng liêng đó, tôi hy vọng đền đáp phần nào công ơn của những bậc thầy tôn kính của tôi, đã lao công khổ trí đào tạo ra tôi. Tôi xúc động bùi ngùi khi ôn lại lời nhắc nhở, thiết tah của tổ Qui Sơn rằng:
“Nhược hữu trung lưu chi sĩ, vị năng đốn siêu, thả ư giáo pháp lưu tâm, ôn tầm bối diệp, tinh sưu nghĩa ly truyền xướng phu dương, tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức.
Thời quang diệt bất hư khí, tất tu dĩ thử phò trì, trụ chỉ oai nghi tiện thị tăng trung pháp thí. Khởi bất kiến ỷ tòng chi cát, thượng tủng thiên tầm, phụ thác thắng nhơn phương năng quảng ích” ?
Có nghĩa là: Nếu mình chưa phải là bậc thượng lưu, vượt thẳng bên kia bờ giác thì hãy để
tâm nơi giáo pháp, ôn tầm kinh điển, rút ra nghĩa lý tinh hoa, truyền bá tuyên dương, tiếp dẫn hậu lai, đó là cách trả ơn cho Phật tổ. Ngày giờ không nên bỏ luống, phải sử dụng nó trong việc rèn luyện thân tâm. Khi đi cũng như lúc ở, sống đúng oai nghi để làm kho tàng đựng pháp trong chư tăng, há chẳng thấy dâu sắn nương quấn cội tòng, nhờ có thắng duyên mà lên cao được đó sao?
Âm vang của Tổ giục giả tôi tinh tấn làm cái việc tuy nhẹ bỗng mà đòi hỏi một nội lực khá nặng nề nầy.
Viết tại HUỲNH MAI TỊNH THẤT Mùa Xuân năm Giáp Tý 1984 DL Pháp sư THÍCH TỪ THÔNG Kính đề
TIỂU DẪN
Bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa thường được gọi với cái tên giản lược là kinh Pháp Hoa. Để phân biệt với các kinh thuộc hệ tư tưởng Tiểu thừa, gọi là Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.
Diệu Pháp Liên Hoa , đề kinh được cấu tạo theo thể cách Pháp và Dụ. Diệu Pháp ám tỷ cho cái Tri Kiến Phật nhiệm mầu vốn có của tất cả chúng sinh mà mọi người thường không hay không biết. Cái Tri Kiến Phật ấy lúc thành Phật không phải nó mới sanh ra, lúc còn là phàm phu nó tiềm tàng, ẩn mật mà không hề sút giảm hao bớt tí nào. Trên bình diện Tri Kiến Phật , chúng sanh và Phật, không hề có sự hơn kém thấp cao.
Với Phật nhãn, nhìn qua lăng kính Bát nhã Ba la mật thì “Tâm, Phật và chúng sanh” dù tên gọi có ba, mà thực chất không có phạm trù đơn vị riêng rẽ.
Cái ví dụ Liên Hoa, đức Phật vận dụng để chỉ bày một cách kín đáo, về Phật chất, về khả năng thành Phật của mọi người. Rằng hoa sen nở toàn diện, hoa sen nở 70, 80 phần trăm; hoa sen vừa trổi lên khỏi nước; hoa sen đang trong nước; cho đến hoa sen còn lủi dưới bùn, dù mức độ lớn nhỏ khác nhau, thời gian sanh trưởng không đồng mà cái tính đặc thù của hoa thì y nhau không hề sai khác. Gương, hạt ở ngay trong cánh nhụy và cánh nhụy bao trùm lấy gương hạt. Mượn đức tánh nầy, đức Phật “giới thiệu” cho mọi chúng sanh biết, rằng trong cái “nhân phàm phu” của các vị, còn có cái “quả Phật chất” ở ngay trong các vị, các vị chớ có khinh mình.
Hoa sen từ bùn nhơ nước đục mà ngoi lên, nhưng không vì nước đục bùn nhơ mà khiến cho hoa sen phai nhạt sắc hương thanh thoát của nó. Với đặc tính đó, đức Phật chỉ dạy: “Hỡi tất cả chúng sanh, các vị hãy vươn lên, tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Các vi hoàn toàn đủ tiêu chuẩn thành Phật, dù các vị đang ở trong hoàn cảnh “Ngũ trược ác thế” của cõi nước đục “Ta bà”….
Phật chỉ là một hoa sen nở trước, nở toàn hiện, hiển bày cánh, nhụy, gương, hạt một cách viên mãn, vậy thôi. Phàm phu, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát đều là sen tất cả. Tất cả chúng sanh không nên tự khinh mình ! Trong các vị, ai ai cũng đều sẵn có Tri Kiến Phật.
Cái “Đại sự nhân duyên” xuất thế của Như Lai nhằm:
• Giới thiệu Tri Kiến Phật cho chúng sanh
• Chỉ rõ Tri Kiến Phật của chúng sanh cho chúng sanh biết
• Hướng dẫn chúng sanh hiểu kỹ về Tri Kiến Phật của mình
• Động viên chúng sanh sống đúng và sống hợp với Tri Kiến Phật mà mình vố có.
Do vậy, tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật, tất cả chúng sanh sẽ thành Phật. Và tư tưởng “thuần viên độc diệu” của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đức Thế Tôn ta với âm giọng hải triều tuyên bố:
“Tất cả chúng sanh đã thành Phật”
Pháp sư: THÍCH TỪ THÔNG Khể Thủ
PHẨM 1
“TỰA”
Kinh nầy tôi nghe, một lúc nọ đức Phật trụ ở núi Kỳ xà quật cùng với số chúng tụ họp xung quanh Phật rất đông, gồm đủ các thành phần:
Tỳ kheo đắc quả A la hớn 12.000 người. Bậc hữu học và vô học 2.000 người. Tỳ kheo ni
6.000 người. Bồ tát 80.000 người. Trời Đế Thích và quyến thuộc 20.000 người. Tứ Đại
Thiên Vương và quyến thuộc 10.000 người. Trời Tự Tại và Đại Tự Tại cùng quyến thuộc
30.000 người. Phạm Thiên Vương và quyến thuộc 12.000 người. Tám vị Long Vương và quyến thuộc; A tu la vương và quyến thuộc; Ca lầu la vương và quyến thuộc nhiều trăm ngàn người. Có vua A xà thế, con bà Di đề hi cùng quyến thuộc tùy tùng câu hội…
Đại chúng đều đãnh lễ cúng dường tán thán Phật, rồi lui ngồi qua một phía. Bấy giờ đức Thế Tôn vì chư đại Bồ tát nói kinh Đại Thừa tên là:
Vô Lượng Nghĩa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm
Nói kinh xong, đức Phật ngồi xếp bằng nhập chánh định Vô Lượng Nghĩa Xứ, thân tâm không lay động.
Chư Thiên vui mừng rải thiên hoa cúng dường Phật, hàng Nhân Thiên tán thán chấp tay một lòng chiêm ngưỡng đức Như Lai.
Lúc bấy giờ, từ tướng lông trắng chặng giữa đôi mày Phật, phóng ra ánh hào quang chiếu khắp mười vạn tám ngàn thế giới ở phương Đông. Trên từ cõi sắc cứu cánh, dưới suốt ngục A tỳ. Chúng sanh trong sáu đường đều thấy rõ lẫn nhau.
Lại thấy chư Phật ở các quốc độ đang nói pháp và được nghe pháp của các Phật rõ ràng. Cũng thấy các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Cận sự nam, Cận sự nữ, tu hành đắc đạo. Thấy các Bồ tát thực hành lục độ trong việc tự lợi lợi tha tinh tấn trên đường Bồ đề. Lại thấy có đức Phật nhập Niết bàn, có nơi xây dựng tháp tôn thờ xá lợi….
Bồ tát Di lặc và đại chúng đều lấy làm lạ trước điềm lành này. Thay mặt cho tất cả Bồ tát, Ngài Di Lặc cầu xin Đại Trí Văn Thù là bậc xuất chúng, giải thích cho đại chúng về những sự kiện trên.
Bồ tát Văn Thù Sư Lợi giải đáp rằng: “Theo chỗ tôi biết thì Thế Tôn nói pháp lớn, tuông mưa pháp lớn, thổi còi pháp lớn”. Bồ tát Văn Thù nói tiếp: “Tôi từng ở trong vô lượng Phật quá khứ đã thấy điềm lành này. Chư Phật phóng hào quang như thế, sau liền nói
“pháp lớn”. Cho nên tôi biết chắc rằng, hôm nay Phật vì muốn cho chúng sanh được nghe biết “pháp nhiệm mầu” mà tất cả người đời khó tin cho nên hiện ra điềm lành ấy…..”
Bồ tát Văn Thù kể tiếp: “Cách vô lượng A tăng kỳ kiếp về trước có đức Phật hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh đủ mười đức hiệu diễn nói chánh pháp, ban đầu, chặng giữa và rốt sau đều lành, nghĩa lý sâu xa, trước sau không mâu thuẫn, thuần nhất không tạp. Phật vì người Thanh văn thừa nói pháp “Tứ Đế” cầu ra khỏi sanh, già, bệnh, chết được cứu cánh Niết bàn. Vì hạng cầu quả Duyên giác nói pháp “Thập nhị nhân duyên”, vì hàng Bồ tát nói pháp “Lục ba la mật” khiến cho chứng quả Vô thượng Bồ đề, thành tựu Nhất thiết chủng trí. Kế tiếp có 20.000 đức Phật cùng một hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh và cùng một họ Phả loa đọa. Pháp của tất cả chư Phật nói ra ban đầu, chặng giữa và rốt sau đều lành.
Đức Phật rốt sau vốn là một nhà vua, lúc chưa xuất gia có tám vị vương tử tên là Hữu Ý, ThiệnÝ, Vô Lượng Ý, Bảo Ý, Tăng Ý, Trừ Nghi Ý, Hướng Ý, và Pháp Ý. Nghe vua cha xuất gia tu hành thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đều bỏ ngôi xuất gia theo.
Thuở đó, đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh cũng như đức Phật Thích Ca hiện nay, nói kinh Đại thừa Vô Lượng Nghĩa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm. Nói xong liền nhập chánh định Vô Lượng Nghĩa Xứ, thân tâm không động.
Hàng Chư Thiên hân hoan rải hoa cúng dường. Đại chúng vui mừng chấp tay nhìn Phật với tất cả lòng kính mộ. Lúc bấy giờ từ tướng lông trắng, chặng giữa đôi mày Như Lai phóng ra ánh hào quang soi suốt 18.000 thế giới ở phương Đông, y như điềm lành hiện nay mà đại chúng cùng đang thấy.
Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh Như Lai từ chánh định dậy, vì Bồ tát Diệu Quang và tám trăm tử đệ mà nói kinh Đại thừa tên là Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm, trải 60 tiểu kiếp, chẳng rời chỗ ngồi. Người nghe pháp cũng ngồi một chỗ đến 60 tiểu kiếp thân tâm không động, không mỏi mệt và xem thời gian ấy mau chừng như một bữa ăn.
Sau 60 tiểu kiếp nói kinh, trước chúng hội, Sa môn, Bà la môn, Thiên long, Ma Phạm, Nhơn phi nhơn, đức Nhật Nguyệt Đăng Minh tuyên bố: hôm nay vào nửa đêm, Như Lai sẽ nhập Vô Dư Niết Bàn. Trước khi vào Niết bàn, Phật thọ ký cho Bồ tát Đức Tạng, trước đại chúng rằng: Đức Tạng Bồ tát nầy sẽ thành Phật hiệu là Tịnh Thân Như Lai đủ mười đức hiệu, thọ ký xong, đúng như lời tuyên bố đức Phật nhập Vô Dư Niết Bàn vào lúc nửa đêm.
Sau Phật diệt độ, Bồ tát Diệu Quang thọ trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa trải tám mươi tiểu kiếp, vì người diễn nói và dạy bảo cho tám vị vương tử ở vững trong đường Chánh đẳng Chánh giác. Tất cả tám vị lần lượt đều thành Phật và vị Phật chót hiệu là Nhiên Đăng.
Trong tám trăm đệ tử của Bồ tát Diệu Quang có một người tên là Cầu Danh. Sỡ dĩ người nầy có cái tên nầy là vì còn tham ưa danh lợi, tuy có đọc tụng kinh điển nhiều mà không thuộc rành. Dù vậy, đó cũng là một “căn lành” đã từng “gieo giống Phật” trong vô lượng ngàn muôn ức kiếp.
Sau khi kể lại câu chuyện trên, Bồ tát Văn Thù kết luận: Bồ tát Diệu Quang lúc đó đâu phải người nào lạ, chính là ta đây, còn Cầu Danh Bồ tát lúc đó, nay chính là Di Lặc ngài đấy.
Hôm nay đức Phật Thích Ca phóng quang hiện điềm giống hệt xưa kia, tôi nghĩ là đức Phật cũng sẽ nói kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm.
THÂM NGHĨA
Học kinh Phật các tiền bối thường hay quan tâm đoạn mở đầu. Các ngài cho rằng ở phần thông tựa phải có đủ những yếu tố “Lục Chủng Thành Tựu” thì mới được xem là chánh thống kinh Phật nói. Thí dụ:
“Kinh Pháp Hoa này, tôi nghe một thời nọ, đức Phật trụ tại Linh Thứu Son, cùng với
Tăng Ni đại chúng cả thảy có bao nhiêu ngàn người”.
“Lục Chủng Thành Tựu” hay Lục trùng chứng tín” tên gọi khác nhau, nhưng tiền bối quan niệm: Kinh Phật nói thì phải hội đủ những điều như thế.
Thật lý mà suy: muốn thành tựu một việc gì cần phải hội đủ yếu tố của việc đó. Điều đó là tất nhiên; nhưng nếu là kẻ gian, họ đem “Lục Chủng Thành Tựu” thay đổi cái “địa danh” na ná, phịa ra tên “kinh mới” cùng một số đại chúng tương tợ….cho vào phần đầu…cái quyển kinh sách “dỏm” của họ. Điều đó, nếu người ta muốn làm thì chẳng khó khăn gì. Vì vậy đọc kinh điển Phật với tôi vấn đề Văn nhi Tư. Tư nhi Tu mới đem lại cho người Phật tử cái “trí tuệ” đích thực của chính mình.
Trước khi nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phật vì các hàng Bồ tát, nói kinh Vô Lượng Nghĩa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm. Việc làm nầy của Phật, có dụng ý sâu xa. Có nghĩa là muốn học hiểu kinh Pháp Hoa, phải “chuẩn bị tư tưởng” qua kinh Vô Lượng Nghĩa. Nói cách khác, có ý thức trong sự tiếp thu tốt về chân lý “thuần viên độc diệu” đệ nhất nghĩa của kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Kinh Vô Lượng Nghĩa, nhưng không được hiểu rằng kinh nầy có nhiều nghĩa. Hiểu thế là sai. Vô Lượng Nghĩa ở đây phải hiểu là không cắt nghĩa được, cắt nghĩa kiểu nào, ngôn từ khéo léo đến đâu, nói hoài, nói mãi, nói “vô lượng ngữ ngôn” thậm chí “vô lượng số
kiếp” cũng không diễn đạt thấu đáo được cái chân lý của ý kinh Phật dạy, ngoại trừ
người “thể nhập”.
“Như nhơn ẩm thủy lãnh noãn tự tri”. Cốc nước đó, nóng hay lạnh, chỉ có người uống mới biết cái chừng độ của nó.
Người đệ tử Phật, phải hiểu Vô Lượng Nghĩa qua tinh thần tu học đó.
Sau đây, lời Phật dạy cho Bồ tát Đại Trang Nghiêm và các Bồ tát phải tu học về giáo lý
Vô Lượng Nghĩa của Đại thừa.
Phật bảo: Này Đại Trang Nghiêm ! Bồ tát muốn tu học pháp môn Vô Lượng Nghĩa thì phải nên quán sát: Hết thảy các pháp, từ trước tới nay, tánh tướng thường rỗng rang vắng lặng, thanh tịnh bản nhiên, không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt, không đến, không đi, không một, không khác, không thường, không đoạn, không ra, không vào, không lùi, không tiến….Ví như hư không, không có cái hai. Chỉ vì chúng sanh hoạnh chấp. Chấp lấy cái giả dối rồi cho là cái nầy, cái kia, là được, là mất…khởi ra tâm niệm không lành, tạo mọi điều ác nghiệp; do vậy mà loanh quanh trong sáu nẻo chịu mọi sự khổ đau vô lượng ức kiếp mà không tự biết để tìm lấy lối ra !
Này Đại Trang Nghiêm ! Tu học Vô Lượng Nghĩa, Bồ tát phải quán chiếu tư duy: Pháp tướng “như vậy”, nó sanh “như vậy”.
Pháp tướng “như vậy”, nó trụ “như vậy”. Pháp tướng “như vậy”, nó dị “như vậy”. Pháp tướng “như vậy”, nó diệt “như vậy”. Pháp tướng “như vậy”, nó sanh ác pháp. Pháp tướng “như vậy”, nó sanh thiện pháp.
Pháp trụ, dị, diệt, cũng sanh thiện pháp và ác pháp “như vậy”.
Tóm lại tu học Vô Lượng Nghĩa là tu học cách quán chiếu Thật Tướng các pháp. Tu học nhận thức về cái tự tánh “Như Thị” thanh tịnh bản nhiên của hiện tượng vạn pháp cho đến khi tự mình thể nhập cái chân lý “Thật Tướng Vô Tướng” “Vô Tướng Bất Tướng” (Thật tướng của vạn pháp là không mà ý niệm không cũng không lưu giữ).
Bồ tát tu học Đại thừa Vô Lượng Nghĩa, chuẩn bị cho mình một tư thế sẵn sàng để tiếp thọ tư tưởng “Duy Nhất Phật Thừa Vô Hữu Dư Thừa Nhược Nhị Nhược Tam” của kinh Diệu Pháp Liên Hoa (chỉ có một Phật thừa duy nhất, không có thừa nào khác để gọi là hai hoặc ba).
Với giáo lý vô thượng thậm thâm vi diệu đó, nên kinh Vô Lượng Nghĩa và kinh Diệu Pháp
Liên Hoa là thứ chân lý “Duy Hữu Phật Dữ Phật Nãi Năng Tri Chi” (Chỉ có Phật với
Phật mới hiểu rõ nguồn giáo lý đó).
Xét cho cùng, thì Như Lai thường trụ trong chánh định Vô Lượng Nghĩa Xứ, chứ không phải chỉ có cơ hội sau khi nói kinh Vô Lượng Nghĩa Như Lai mới nhập định Vô Lượng Nghĩa Xứ. Thập lực, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng pháp, Như Lai lúc nào chẳng có !
Tướng Lông trắng giữa đôi mày Phật là một tướng trong 32 tướng của Phật. Còn ánh sáng thông thường người ta gọi là “hào quang” của Phật. Hào quang có phóng hay không phóng là một vấn đề khác cần phải học và hiểu kỹ về Phật thì người đệ tử Phật mới tránh được bệnh chấp ảo tưởng hoang đường.
Nội dung kinh Pháp Hoa, về việc phóng ánh sáng (người đời thường linh thiêng hóa bằng cái từ “hào quang”) trước sau đức Phật sử dụng ba lần khác nhau, để nói lên công dụng khác nhau về giáo lý mà đức Phật muốn truyền đạt cho Pháp Hoa hải hội từng lúc khác nhau.
Ở phẩm Tựa nầy, đức Phật chỉ phóng ánh sáng lông trắng chặng giữa đôi mày (chỗ huyệt ấn đường) soi sáng khắp một vạn tám ngàn thế giới chư Phật ở phương Đông. Đại chúng xem thấy rõ việc làm của Phật trong sự nghiệp giáo hóa, thuyết pháp độ sanh. Thấy rõ các chúng Thanh văn tinh tấn tu hành nói pháp tứ đế. Thấy các Bồ tát đang thực
thi lục độ trên đường tự lợi, lợi tha. Thấy rõ, có đức Phật đang chuyển pháp luân. Có đức Phật đang nhập Niết bàn. Có nơi trà tỳ thâu xá lợi…trên từ Trời Sắc cứu cánh nhìn thấu suốt địa ngục a tỳ, lục đạo chúng sanh thông đồng trông thấy lẫn nhau….
Một điểm “hào quang” tức là một chút “trí tuệ” Phật mà khiến cho mọi người trong đại chúng có khả năng nhìn những sự việc trong một vạn tám ngàn thế giới…Vừa thấy vừa nghe như cận kề trước mắt. Sự kiện nầy nhằm dạy cho toàn thể Pháp Hoa Hải Hội về “Trí Tuệ Phật” về “tri kiến Như Lai”. Rằng khi con người đủ khả năng sử dụng “Trí tuệ
Phật” “Tri kiến Như Lai” thì một vạn tám ngàn thế giới cũng chẳng có gì ngăn sông cách núi.
Phóng hào quang lần hai, đức Phật sử dụng hai điểm. Một ở tướng bạch hào và một ở tướng vô kiến đảnh. Hai điểm hợp lại, khiến cho đại chúng trông thấy thế giới chư Phật nhiều như số cát 42 sông Hằng.
Phóng quang lần ba, ánh sáng phát ra từng lỗ chân lông Phật, toàn thể Pháp Hoa Hải Hội trông thấy Pháp Giới Nhất Chân. Cõi nước trong mười phương không còn ranh giới nữa.
Thế cho nên giáo lý: “chư pháp tương tức”, “nhất đa tương dung”, “đồng thời cụ túc tương ứng” cũng được hiểu ở nơi sự kiện “phóng quang” nầy (xin đọc thêm Kinh Duy Ma Cật Trực Chỉ Đề Cương cùng một biên dịch giả). Để chứng minh sáng tỏ ý nghĩa đó, ta hãy đọc đoạn văn trùng tụng nầy:
….”Ngã kiến Đăng Minh Phật
Bổn quang thụy như thử
Dĩ thị tri kiến Phật
Dục thuyết Pháp Hoa Kinh Kim tướng như bổn thoại Thị chư Phật phương tiện
Kim Phật “phóng quang minh” Trợ phát thật tướng nghĩa….
có nghĩa là: xưa kia tôi thấy Phật Đăng Minh, phóng hào quang giống như hiện giờ. Vì vậy tôi biết hiện nay Phật sắp nói kinh Pháp Hoa. Điềm hôm nay y hệt điềm xưa. Đó là phương tiện của chư Phật. Nay Phật phóng hào quang, nhằm hổ trợ cho sự diễn bày “thật tướng”.
Vậy, nói đến “hào quang” phải hiểu là “Trí tuệ Phật”. Tùy trường hợp sử dụng trí tuệ ít hay nhiều, toàn diện hay chưa toàn diện và tầm nhận thức chân lý, nhận thức thế giới rộng hẹp khác nhau.
Sự thông đồng giữa một vạn tám ngàn thế giới của chư Phật…Và Lục đạo chúng sanh, nền triết lý “một tâm đủ mười pháp giới” của đạo Phật, được Phật khai thị một cách kín đáo qua sự kiện phóng quang nầy.
Bồ tát Di Lặc không biết duyên cớ của sự hiện điềm, thay mặt đại chúng hỏi để tìm hiểu duyên cớ. Bồ tát Đại Trí Văn Thù thì giải đáp một cách tận tường, khúc chiết. Kinh nêu ra sự kiện nầy, nhằm dạy cho người đệ tử Phật ghi nhớ và quan tâm vấn đề “nhân quả” và vấn đề “chủng tử” trong quá trình tu học ở thời đức Nhật Nguyệt Đăng Minh xa xưa. Đại Trí Văn Thù là Bồ tát Diệu Quang thời đó. Ở thời kỳ Bồ tát Diệu Quang dạy kinh Diệu Pháp Liên Hoa cho 800 đệ tử vững bước tiến tu trên đường Bồ đề thì Di Lặc lúc bấy giờ mang biệt hiệu là Bồ tát Cầu Danh, thường biếng trễ trên đường tu học.
Gieo hạt giống trí tuệ sâu, sẽ thành cái quả “Đại Trí”. Trồng cái nhân biếng trễ kết quả
chỉ là Từ Thị Di Lặc vậy thôi.
Giáo lý của kinh Pháp Hoa thuộc về pháp lớn, thứ pháp chỉ để dạy cho những người có chủng tánh Đại thừa, khác với giáo lý dạy cho những hàng căn tánh Tiểu thừa. Phật nói kinh Pháp Hoa là tuông mưa pháp lớn; thổi còi pháp lớn, đánh trống pháp lớn. Thứ giáo pháp mà người đời khó nghe, khó hiểu và khó tin.
Ở nơi phẩm Tựa của Bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đức Phật đã cho Pháp Hoa Hải Hội biết về cái nguyên tắc chung của ba đời chư Phật thường làm. Đức Nhật Nguyệt Đăng Minh cách hằng hà sa số kiếp trước đã làm như vậy, hiện nay đức Phật Thích Ca cũng đang làm như vậy và Phật tương lai thì cũng thế. Lời nói của chư Phật là lời chân chính, chắc thật. Lời nói trước sau như một, ban đầu, chặng giữa và rốt sau đều lành, không hề có dụng ý lừa dối phỉnh gạt người nghe.
Về phương diện thuyết pháp giáo hóa chúng sanh thì vì hạng căn cơ Thanh Văn Phật nói cho họ về pháp “Tứ diệu đế”, hầu mong ra khỏi sanh tử, chứng đắc Niết bàn; vì hàng Duyên Giác nói cho họ về pháp “Thập nhị nhân duyên”; vì hàng Bồ tát nói pháp “Lục ba la mật” khuyến cáo thẳng tiến lên Bồ đề Vô thượng thành tựu Nhất Thiết Trí, Tự nhiên trí, Vô sư trí của mình. Đó là thông lệ của ba đời chư Phật, trong sự nghiệp hóa độ
chúng sanh.
Vấn đề 20.000 đức Phật cùng hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh, pháp của đức Phật nói: ban đầu, chặng giữa và rốt sau đều lành. Phải hiểu vấn đề nầy, rằng: không những 20.000 mà 200.000 hay 200.000.000… đi nữa, pháp của các Phật nói ra cũng đều lành như vậy cả. Danh hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh vừa là danh hiệu Phật vừa là biểu trưng “Phật”
là hiện thân của chân lý muôn đời trong sáng cũng như sự soi sáng của vầng nhật nguyệt vằng vặc muôn đời….
Đức Phật cùng hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh thứ 20 ngàn, xuất thân từ gia tộc nhà vua. Tức nhiên là vinh hoa phú quý tột bậc. Có tám con ngoan, tức nhiên có hoàng hậu hiền.
Vì muốn cầu quả Phật, Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, con đường duy nhất là phải xuất gia, xuất gia xả đi cái “ta” cái “trẩm” của một đấng quyền uy tối thượng, sanh sát trong tầm tay ấy và để phủi giũ hết những cái sở hữu “của ta”, mênh mông một trời giang san cẩm tú ! Bấy giờ, trước cảnh gió lộng trời thanh, trong những đêm trăng trong gió mát, nhìn giang san với tâm hồn thanh thoảng ngâm nga:
“Nhất phái thanh sơn cảnh sắc u Tiền nhân điền thổ hậu nhân thu Hậu nhân thu đắc mạc hoan hỉ Hoàn hữu thu nhơn tại hậu đầu” (Một dải giang san cảnh đẹp thanh Cơ đồ người trước kẻ sau giành
Người sau cướp được khoan mừng vội
Chẳng mấy lâu sau có gả tranh.)
Thưởng thức được cái thi tứ đậm đà chân lý đó, thì ngày thành Phật, sao mai dần dần ló dạng.
Xuất gia hành đạo, thực ra không phải chuyện ngẫu nhiên, mà mỗi mỗi đều có nguyên nhân của nó. Nguyên nhân có hai thứ: “viễn nhân” và “cận nhân”. Người chỉ có “viễn nhân” thì xuất gia trước, rồi chế ngự, bồi dưỡng, uốn nắn “thức tâm” sau. Người có “cận nhân” thì trau dồi chế ngự “thức tâm” trước, sau đó đủ điều kiện mới xuất gia hành đạo.
Cha xuất gia tu hành, độ các con, đắc thành chánh quả. Đấy là thể hiện theo nguyên tắc
“viễn nhân”.
Ngược lại, con và vợ xuất gia tu hành độ vua cha thành tựu đạo quả. Sự thanh tịnh hóa “thức tâm” trước, là thể hiện theo nguyên tắc “cận nhân”. Như trường hợp Diệu Trang Nghiêm Vương phẩm thứ 27.
Thuyết giảng kinh Diệu Pháp Liên Hoa thời gian 60 tiểu kiếp, đức Nhật Nguyệt Đăng Minh không rời chỗ ngồi mà Bồ tát Diệu Quang, 800 tử đệ cùng đại chúng không hề mỏi mệt và với thời gian ấy mà tưởng chừng như thời gian của một bữa ăn. Điều nầy nói lên sự kết quả to lớn của người nói và người nghe. Thể nhập “Pháp Hoa Tam Muội”, nhận thức được chân lý “Pháp giới nhất chân”, “Chư pháp tương tức, tương dung, tương ứng” thì ngay điểm thời gian hiện tại có đủ mười đời. “Thập thế cách pháp dị thành môn” vì thời gian cũng tương tức, tương dung, tương ứng.
(Xin đọc thêm “Thập huyền duyên khởi” có giảng rõ ở kinh Duy Ma Cật Trực Chỉ Đề
Cương cùng một biên soạn giả)
Sanh tử là việc bình thường, từ ngàn xưa, con người đã chấp nhận sự thật đó. Hễ có sanh tất phải có tử. Chỉ khác nhau ở điểm chúng sanh thì “sanh tử bì lao” đau đớn, khổ sở
triền miên, vì cái nhân đa dục. Còn Phật “sanh thuận tử an” sống chết là thuận theo chân lý biến dịch tuần hoàn của vạn pháp, cho nên cái chết của Phật gọi là “nhập Niết bàn”.
Vấn đề thọ ký cũng được báo trước trong ánh hào quang, để chuẩn bị tư tưởng cho đại chúng trong hội Pháp Hoa khỏi ngạc nhiên và bở ngỡ sau nầy. Vì Phật sẽ thọ ký dài dài cho nhiều đối tượng, nói đúng hơn, cho tất cả mọi căn cơ.
Giáo lý kinh Pháp Hoa là thứ chân lý Đại Thừa liễu nghĩa, Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh đã nói, Bồ tát Diệu Quang thuộc hàng đệ tử tiếp tục truyền bá kinh Pháp Hoa, dẫn dắt tám vị vương tử tu hành đều thành Phật.
Người nghe được kinh Pháp Hoa là người trồng sâu căn lành cho nên sớm muộn gì rồi cũng được thành Phật. Một Bồ tát có biệt hiệu là Cầu danh, nghe qua là có thể biết đạo hạnh của vị Bồ tát thế nào rồi. Dù vậy, cũng đã tiếp thu gieo giống Pháp Hoa cho nên hạt sen Pháp hoa đến thời Phật Thích Ca đã trổ bông bảy tám chục phần trăm mở bày cánh nhụy.
Văn Thù và Di Lặc trong cương vị Bồ tát, có hơn kém nhau trong mức độ phần trăm nào đó, chỉ vì khi gieo giống có trước có sau, có nông sâu, từ khi cùng tu học dưới thời Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh xa xưa ấy.
Thuật lại một sự kiện xưa để đoán định hiện tượng đang xảy ra hiện tại, để kết luận rằng: Phật sắp nói kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm, như Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh đã nói cách đây vô lượng hằng sa kiếp trước.
Trong sự kiện phóng quang ngầm tuyên cáo với tất cả chúng sanh hậu thế rằng những việc Phật nói, Phật làm trong kinh Pháp Hoa để dạy cho chúng sanh là việc của chư Phật quá khứ đã nói, đã dạy, đã làm. Chẳng những thế, mà chư Phật vị lai cũng nói, cũng dạy và cũng làm như vậy.
Ánh sáng mặt trời nóng, mặt trăng mát, dù ở quá khứ, hiện tại hay vị lai thì ai cũng nói như vậy thôi !
Trang:

SHARE THIS

Author:

Etiam at libero iaculis, mollis justo non, blandit augue. Vestibulum sit amet sodales est, a lacinia ex. Suspendisse vel enim sagittis, volutpat sem eget, condimentum sem.

0 nhận xét:

* Quý vị có thể để lại nhận xét, cảm nhận dưới mỗi bài viết nhưng:
- Không bàn luận đến chính trị của các quốc gia trên thế giới.
- Không được bàn luận hay phỉ báng bất kỳ tôn giáo nào khác.
- Không bàn luận tới sắc tộc gây chia rẽ các dân tộc trên toàn thế giới.
- Không viết những lời thô tục
- Không xúc phạm, chửi bới người khác
- Không đặt liên kết tới những Website đen, có chứa Vi rút hay những phần mềm có chứa mã độc hại
+ Chỉ bàn luận những lĩnh vực liên quan tới Phật Giáo.
+ Hãy giới thiệu Website này tới những người thân, bạn bè của quý vị. Những người không theo, sẽ theo và đã theo Đạo Phật đều có thể xem và tim hiểu trên Website này.
* Hướng dẫn viết nhận xét:
+ Viết nhận xét, cảm nghĩ vào ô bằng Tiếng Việt có dấu
+ Nhận xét với tư cách: Vui lòng nhấp vào lựa chọn trong thanh thả ( Nếu bạn có 1 blog thì hãy đăng nhập, nếu không có thì chọn Ẩn danh)
+ Cuối cùng thì kiểm tra nhận xét và nhấp vào nút: Đăng Nhận xét
* Trân trọng cám ơn!